Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến của bão; chỉ đạo gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nắm lại số người đang có mặt trên các vùng nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng sơ tán khi có tình huống xảy ra; rà soát, sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần; thông báo cho các khu vui chơi, công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp; điều tiết, vận hành an toàn công trình thủy lợi khi mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, tổ chức trực canh 24/24 giờ, nhất là tại các ngầm tràn, đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại khi có lũ.
Các sở, ngành liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Bộ CHQS tỉnh, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc…, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết về bão để chủ động phòng tránh; quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, thực hiện điều tiết đảm bảo an toàn; rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu.
Tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu; chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn tại các tuyến giao thông; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai khi có yêu cầu; rà soát các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trước, trong và sau bão; có phương án phòng, chống thiên tai đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có mưa lớn trên địa bàn.