Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc NHCSXH TP.Hải Phòng, quý I năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, Chi nhánh NHCSXH TP. Hải Phòng đã làm tốt vai trò tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 19-TT/TƯ ngày 08/5/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan báo cáo, tham mưu UBND thành phố bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay.
Theo đó, quý I năm 2021, NHCSXH TP. Hải Phòng đã được bổ sung 24,04 tỷ đồng vốn dành cho tín dụng chính sách, trong đó lãi nhập nguồn 2,84 tỷ đồng, bổ sung mới 21,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và các quận huyện.
Dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đến 31/3/2021 đạt gần 3.215 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh NHCSXH TP. Hải Phòng, với 98.742 hộ dư nợ thông qua 2.683 tổ TK&VV tại 218 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và huyện đảo.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng nguồn vốn NHCSXH TP. Hải Phòng đạt trên 3.380 tỷ đồng, tăng hơn 52,38 tỷ đồng so với năm 2020. Trong số đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư ngân sách địa phương là gần 243 tỷ đồng, tăng 24,04 tỷ đồng so với năm 2020.
Số tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại NHCSXH cũng tăng thêm hơn 34,8 tỷ đồng, trong đó, có đơn vị (Kiến Thụy) đã hoàn thành kế hoạt được giao.
Ngay trong quý đầu tiên của năm, doanh số cho vay đạt hơn 195,27 tỷ đồng, với 5.729 lượt hộ vay. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên toàn thành phố đến 31/3/2021 đạt gần 3.229 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng chính sách có dư nợ lớn là cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo...
Đồng vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã chuyển tải tới 100% các xã, phường, thị trấn và huyện đảo, bình quân dư nợ hộ nghèo hiện nay hơn 35,5 triệu đồng/hộ. Thông qua hoạt động vay vốn người vay được hướng dẫn cách thức làm ăn, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, cách sử dụng vốn có hiệu quả, đã tạo cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm việc làm, có điều kiện thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi... góp phần tăng thêm sản phẩm xã hội.
|
Cán bộ NHCSXH TP Hải Phòng khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, gia đình chính sách. |
Trong quý I năm 2021, đã giúp cho 5.729 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh, 100 hộ gia đình vay vốn trang trải chi phí học tập cho HSSV mới nhập học, 2.911 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường, 804 khách hàng vay vốn, duy trì và tạo việc làm, 22 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị quyết 52/2019/NQ-HĐND.
Tại nhiều địa phương, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế điển hình, thúc đẩy hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau giảm nghèo... Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Thành phố đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo NHCSXH chi nhánh Hải Phòng cũng thẳng thắng thừa nhận hoạt động của đơn vị còn một số hạn chế, tồn tại như: công tác phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội còn chưa tốt; các biện pháp xử lý thu hồi nợ còn thiếu kiên quyết; việc xác nhận bổ sung hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn…
Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP quý I năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Anh Quân - Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH TP - yêu cầu đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay để xử lý các khoản nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn phát sinh; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra việc sử dụng vốn của người vay nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các tiêu cực phát sinh. Bên cạnh đó, NHCSXH TP Hải Phòng cần chú trọng rà soát các chương trình tín dụng tại địa phương, đề xuất TP ban hành những chính sách phù hợp với giai đoạn và thực tiễn của địa phương, phát huy hiệu quả của nguồn vốn.