Ra mắt sách “Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam”

(PLO) -Nói đến sự ra đời của báo chí quốc ngữ nước Việt, tính đến nay, đã được 152 năm. Kể từ thời điểm tờ Gia Định báo được ra mắt độc giả tháng 4 năm 1865 đến hiện tại, làng báo nước Việt phát triển sôi động, đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Hiển nhiên, đó cũng là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của báo chí, phản ánh hơi thở của thời đại. 
 
Ra mắt sách “Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam”

Sự phát triển của báo chí qua từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử, chịu ảnh hưởng lớn từ thực tế sự ứng xử của chế độ đương thời đối với “cơ quan quyền lực thứ tư” này. Thế nên, điểm qua hơn 150 năm hiện diện của báo chí quốc ngữ từ thời Pháp thuộc cho đến nay, ta thấy được cả những nốt thăng, trầm của báo chí ở từng thời điểm cụ thể.

Với mục đích giúp bạn đọc bao quát được bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay, đặc biệt là “chế độ báo chí”, hay là những quy chế pháp lý đối với báo chí qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau, hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đã viết nên cuốn Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, tập 1: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (1858-1945).

Sách được ra mắt nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21.6.2017), được ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 2: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 (từ 1945 đến nay) sẽ ra mắt trong thời gian tới). 

Thông qua tập 1 của tác phẩm này, các tác giả sơ lược cho chúng ta sự ra đời của báo chí nước Việt trong bối cảnh có sự hiện diện, tác động to lớn của người Pháp, những tờ báo đầu tiên xuất hiện là ở đất Nam Kỳ nơi người Pháp đang xác lập tầm ảnh hưởng của họ sau khi dùng sức mạnh quân sự để chiếm Nam Kỳ lục tỉnh. 

Cũng qua đây, ta biết được thái độ ứng xử của các thể chế khác nhau với báo chí qua việc áp dụng Luật Tự do báo chí ngày 29/7/1881 cùng những sửa đổi, bổ sung sau đó, rồi Sắc lệnh ngày 30/12/1898 với báo chữ Việt, hay Sắc lệnh ngày 4/10/1927 về chế độ báo chí ở Đông Dương… tất cả những văn bản được ban hành ấy, sẽ có ảnh hưởng sâu sắc ở những mức độ khác nhau đối với báo chí ở thời điểm đương thời. Đây chính là điểm nhấn của sách với việc sưu tầm, giới thiệu những văn bản pháp luật căn bản của nền báo chí Việt Nam dưới thời Pháp thuộc từ lúc nguyên sơ cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945.

Xen kẽ với việc trình bày về “các chế độ báo chí” trước Cách mạng Tháng Tám 1945, các tác giả cũng phác thảo nên bức tranh về báo chí qua các giai đoạn, thời kỳ. Và để làm rõ thêm tính chất của chế độ báo chí thời ấy, không gì hơn qua việc minh họa bằng chân dung, tư tưởng và sự cống hiến của một số cơ quan tổ chức báo chí (Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Tiếng dân…) và con người làm báo điển hình (Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn…), họ đã đóng góp từng vai trò cá nhân, đơn vị vào sự nghiệp chung, trong từng thời kỳ lịch sử. 

Ra mắt đúng dịp Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, tập 1: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (1858-1945) lại càng ý nghĩa hơn bao giờ hết trong việc khẳng định vai trò phản biện xã hội của báo chí Việt Nam cũng như tri ân những người làm nghề. 

Đọc thêm