Nghi lễ “khất thực cho chim”
Trong Phật giáo cái chết không phải sự kết thúc của cuộc sống mà là khởi đầu cho một hành trình mới của linh hồn. Họ cũng tin rằng một khi qua đời, cơ thể sẽ chỉ như một cái bình rỗng, bởi linh hồn đã không còn chứa trong đó, rời khỏi đó. Linh hồn sẽ tiếp tục vòng luân hồi và tái sinh cho đến khi tìm thấy những hình hài cụ thể trong tương lai.
Đối với Phật tử Tây Tạng, giai đoạn sắp lìa trần là thời gian quan trọng nhất và quyết định linh hồn của người chết sớm được siêu thoát hay đọa vào những cảnh giới xấu. Để linh hồn được siêu thoát và bắt đầu vòng luân hồi trả nghiệp, thân xác còn đó cũng cần mang theo. Cụ thể là xác người, hiện đã hết hạn và cần thiên táng để không còn dính líu tới cõi trần gian. Đây là một nghi lễ độc đáo mà nhiều người phương Tây coi là man rợ.
Thiên táng (hay sky-burial) là quá trình xử lý cơ thể con người bằng cách chặt nó ra thành nhiều mảnh nhỏ và đem nó lên đỉnh núi cao, để lũ kền kền rỉa xác. Người ta tin rằng xác của con người sẽ được trả về tự nhiên thông qua Jhator –hay còn gọi là “sự khất thực cho chim”.
Thiên táng diễn ra như thế nào?
Trước đó, nếu một người Tây Tạng chết, xác chết được bọc trong vải Tây Tạng trắng và đặt trong một góc của ngôi nhà với từ 3- 5 ngày. Các nhà sư hoặc Lạt ma sẽ đọc bài trú (mantra) cho các linh hồn được giải thoát khỏi cõi trần tục. Các thành viên trong gia đình dừng các hoạt động khác, thậm chí không được khóc để trấn an linh hồn, giúp họ thanh thản lên thiên đường.
Sau đó, người nhà sẽ chọn ngày đẹp và đưa thi hài tới nơi thiên táng. Trước khi chuyển đi, các thành viên trong gia đình cởi bỏ quần áo của người chết và đặt thi hài họ trong tư thế bào thai. Cụ thể, cơ thể được uốn cong thành tư thế ngồi, đầu tì vào đầu gối.
Nghi lễ thiên táng thường diễn ra vào lúc bình minh, khi mặt trời mới ló rạng. Thi hài đã được chuyển khỏi nhà và mai táng trên những ngọn núi cao, hoàn toàn cách xa khu dân cư.Khi đến khu thiên táng, xác được đặt nằm sấp xuống sàn. Người xử lý xác chết (rogyapa) bắt đầu đốt cây bách xù để thu hút đám kền kền tới. Các lạt ma tụng kinh để chuộc lại tội lỗi của linh hồn và rogyapa sẽ bắt đầu công việc của mình.
Ngoài đám kền kền ớn lạnh đang đứng chờ rỉa xác, nghi thức xử lý xác chết còn đem lại cảm giác nổi da gà hơn rất nhiều. Đặc biệt với những ai được tận mắt chứng kiến. Song những người thực hiện (rogyapa) coi đây là điều bình thường. Họ kéo thi hài lên đỉnh núi và dùng dao nhọn chặt thành nhiều phần.
Hài cốt cơ thể sẽ đập thành từng mảnh và trộn với tsampa (một loại thực phẩm chính cho người Tây Tạng, làm từ bột lúa mạch) để nuôi kền kền. Thậm chí, họ làm nó như việc nông trại hàng ngày, cười nói vui vẻ chứ không phải thể hiện sự trang trọng hay buồn bã. Phật tử Tây Tạng tin rằng việc giữ một bầu không khí vui vẻ có thể giúp người chết vượt qua bóng tối để sang kiếp sau.
Thiên táng là nghi lễ có liên quan mật thiết đến triết lý của Phật giáo Tây Tạng. Người Tây Tạng tin rằng nếu kền kền đến và ăn xác, điều đó có nghĩa là người chết không có tội lỗi và linh hồn của anh ta được siêu thoát.
Và kền kền là “sợi dây” trao đổi giữa cõi nhân gian với cõi vĩnh hằng. Chúng được tôn vinh là những “những con chim thánh” và chỉ ăn xác người mà không tấn công bất kỳ ai, động vật nào gần đó. Nếu kền kền không rỉa hết thì tức là người đó chưa siêu thoát. Và các lạt ma phải đem hài cốt hỏa táng cùng với tụng kinh để cứu chuộc tội lỗi của linh hồn.
|
Kền kền đứng đợi chặt xác. Ảnh: Tâm Bùi |
Hiện nay, có hai điểm đến nổi tiếng có thể chứng kiến nghi lễ này ở Tây Tạng. Một là Tu viện Drigung Til, nằm ở quận Maizhokunggar, cách thành phố Lhasa khoảng 150km về phía đông. Tu viện được nhúng trên mặt đá dốc đứng của vách đá, nhìn ra thung lũng Mum Pa đẹp như tranh vẽ.
Một địa chỉ uy tín khác là Học viện Phật giáo Larung Gar - học viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Nằm hơn 20 km về phía đông nam đến huyện Sertar, tỉnh Garze, tỉnh Tứ Xuyên, Học viện Phật giáo Larung Gar được biết đến là“mái nhà” Phật giáo đồ sộ và không gian cho các phật tử nghiên cứu.
Có man rợ, vô nhân đạo hay không?
Việc cho chim ăn trong thiên táng được người Tây Tạng coi là hành động “hào phóng” cuối cùng của người chết và người thân của họ bằng cách cung cấp thức ăn cho chúng sinh. Hành động từ bi đối với loài khác là một đức tính Phật giáo quan trọng và được tôn trọng sâu sắc.
Mặt khác, nó cũng liên quan tới mặt tự nhiên của cao nguyên Tây Tạng.Vùng đất thuộc lãnh thổ Trung Quốc này nằm giữa những đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya trên 4000m, lớp đất mặt lởm chởm đá, quá cứng để có thể đào hố, dù chỉ vài mét đầu tiên. Điều đó khiến cho việc chôn cất người chết gần như không thể. Kèm theo khí hậu lạnh, không có nhiều cây cối tồn tại được, thiếu củi khiến việc hỏa táng dường như cũng bất khả thi. Được biết, hỏa táng chỉ dành riêng cho những người có địa vị xã hội, giàu có.
Để phù hợp cả về tự nhiên và tâm linh,thiên táng được coi là phương thức hợp lý nhất để xử lý xác chết. Thiên táng giúp bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước như khi chôn xuống đất. Đối với người Tây Tạng, đây là nghi lễ rất bình thường và trang trọng dành cho người đã khuất. Nó cũng phù hợp với giáo lý phật Kim cương thừa của người Tạng. Hiện truyền thống an táng này khá phổ biến trên khắp Tây Tạng và một số khu vực ở Mông Cổ.
|
Rogyapa (người xử lý xác) bên bầy kềnh kềnh đang ăn. Ảnh: Tâm Bùi |
Thiên táng dường như là một phong tục nguyên thủy và không thích hợp với văn hóa phương Tây. Nhiều người cảm thấy đây là hủ tục man rợ, rùng rợn và khó chấp nhận. Ngược lại một số khác lại cảm thấy tò mò, ấn tượng về nghi lễ độc đáo này của người Tây Tạng. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền để tham quan vùng đất này và được một lần chứng kiến thiên táng.
Tóm lại, mỗi cái chết đều sẽ mang đến cuộc đời khác, tiếp tục luân hồi và chuyển tiếp cho dù nó ở dạng linh hồn bay lên hay được chim tha đi. Trên những ngọn đồi của Tây Tạng cổ đại, trong sự hiện diện chào đón ánh bình minh,những gia đình có người đã khuất gần như có thể cảm nhận được linh hồn người thân đã ra đi một cách thanh thản, dứt khoát, không còn lưu luyến gì kiếp này. Và chính họ cũng vậy.
Các tục mai táng khác của người Tây Tạng
Tháp táng
Chôn cất bằng bảo tháp là nghi thức tang lễ cao quý và thiêng liêng nhất ở Tây Tạng. Nghi thức này được dành riêng cho các Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma và Phật Sống. Sau khi một vị Lạt Ma cấp cao qua đời, xác ướp sẽ được rút nước và ướp trong các thảo dược quý hiếm. Vàng mảnh và nghệ tây được rải khắp cơ thể. Cuối cùng, xác chết được chuyển đến bảo tháp và bảo quản cẩn thận để thờ cúng.
Hỏa táng
Hỏa táng ít cao quý hơn tháp táng, dành riêng cho các nhà sư chức vị cao và giới quý tộc. Người ta đổ bơ vào gỗ và rơm để đốt cháy thi thể. Tro tàn sẽ được đặt trong một hộp gỗ hoặc bình đất nung và chôn cất trong nhà, trên đỉnh núi, ngọn đồi hoặc một mảnh đất.
Quan tài sẽ có hình một chiếc tháp. Tro cũng có thể được mang lên đỉnh núi cao để tán theo gió hoặc thả xuống sông. Nhưng tro của Đức Phật Sống hay Lạt Ma thường được cho vào những tháp vàng hoặc bạc nhỏ.
Vách táng
Khi có người chết, các vị sư xuất sắc sẽ được giao nhiệm vụ tiên đoán và quyết định nghi thức và phương cách tang lễ cho người chết. Nếu người chết được vách táng, cơ thể họ sẽ được phủ một lớp bơ hoặc sữa, cùng với muối, nước hoa và sau đó niêm phong trong những thùng gỗ nhỏ để mang tới vách đá.
Người Tây Tạng thường chọn vách núi xa khu vực dân cư sinh sống để mang quan tài tới. Những hang động cao 50 tới 200 m so với mặt đất cũng thường được sử dụng làm nơi an nghỉ cho người chết.
Thủy táng
Trong thủy táng, xác chết được bọc bằng vải trắng, rồi thả trôi sông. Có hai quan điểm khác nhau về thủy táng. Ở những nơi thiên táng là phổ biến, thủy táng được xem là cách kém trang trọng hơn và chỉ dành để mai táng những người ăn xin và người có địa vị thấp trong xã hội. Ở những nơi không có nhiều kền kền, thủy táng lại được chấp nhận rộng rãi với đa số người dân bình thường.
Địa táng
Đối với người Tây Tạng, chôn cất là hình thức thấp kém. Chỉ những người bị bệnh truyền nhiễm hoặc bọn cướp, sát nhân mới “bị” chôn cất theo cách này.