Sách giả, sách lậu "ăn sâu bén rễ" nhờ... tâm lý thích sách rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện sách giả đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý. Và nếu không ngăn chặn kịp thời vấn nạn này thì nguy cơ “bức tử” nền xuất bản, “bức tử” tri thức là điều hiển nhiên, cùng với sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức cũng là điều dễ hiểu.
Một bộ sách giả được rao bán trên mạng rất giống với bộ sách thật của Công ty Đông A. Ảnh: Tuoitre
Một bộ sách giả được rao bán trên mạng rất giống với bộ sách thật của Công ty Đông A. Ảnh: Tuoitre

Những năm gần đây, nhiều nhà xuất bản trên cả nước đã "kêu cứu" vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan, có thể kể đến một số đơn vị như: NXB Trẻ, NXB Giáo dục, NXB Tổng hợp TP HCM, Đông A... Thế nhưng vấn nạn sách giả in giống hệt sách thật, in lậu, in nối bản trái phép diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Những cuốn sách giả với chất lượng giấy xấu hơn, được giảm giá tới 60-70% được bán ngoài vỉa hè đường phố, bày trên các quầy, bán trên các shop online...

Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội hôm 8/1/2021 đã bất ngờ tiến hành kiểm tra nhà số 3 ngõ 89, Ngô Thì Sỹ (Vạn Phúc, Quận Hà Đông). Tại đây, các cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thùng sách in lậu, gồm sách thành phẩm, ruột và bìa sách. Qua kiểm kê số lượng sách lậu lên đến 40.000 bản, chủ yếu sách in lậu từ các ấn bản của Công ty First News - Trí Việt, NXB Trẻ cùng nhiều đơn vị phát hành khác như Alphabooks, Nhã Nam...

Sách giả còn trà trộn vào các nhà sách bán lẻ lớn, các đường sách, hội chợ sách. Đã có trường hợp Đường sách ở Huế bị buộc phải đóng cửa vì bán sách giả vào tháng 11/2019 hay Hội chợ sách xuyên Việt (Vietnam Book Fair tour 2020) tổ chức tại Thừa Thiên – Huế đã bị tạm ngưng hoạt động và bị xử phạt hành chính vì bày bán hàng loạt xuất bản phẩm giả, không có hóa đơn, chứng từ.

Liên quan đến những câu chuyện xoay quanh vấn nạn sách giả, in lậu in nối bản, chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP HCM, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh:

“Thực trạng in và buôn bán sách giả, sách lậu đã có từ lâu lắm rồi. Trước đây việc làm phi pháp này chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, họ in ra mấy thùng sách giả rồi đem đi bán ở các cửa hàng sách trên đường phố hay bày bán dưới lòng lề đường, kỹ thuật in ấn cũng thô sơ. Còn bây giờ thì tệ trạng này ngày càng nhiều hơn.

Theo như phản ảnh của các nhà xuất bản, việc sản xuất và tiêu thụ sách giả ngày càng trầm trọng đặc biệt tại các TP lớn. Tại Hà Nội rất dễ tìm thấy sách giả được bày bán công khai tại các trục đường lớn ngay trung tâm Hà Nội như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Phạm Văn Đồng, Đường Láng, Trần Quốc Hoàn...

Hiện nay nắm được tâm lý thích mua hàng giá rẻ của nhiều bạn đọc, hàng trăm website, kênh Youtube, ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng đang ngày đêm chia sẻ “miễn phí” những cuốn sách điện tử, sách nói và các nội dung vi phạm bản quyền khác của nhiều đơn vị xuất bản Việt Nam. Thậm chí, các sản phẩm này còn được tổng hợp lại dưới dạng USB và được kinh doanh công khai thông qua sàn thương mại điện tử, fanpage mạng xã hội và các website."

“Thông qua báo Pháp luật Việt Nam, tôi cũng mong mỗi độc giả cần có ý thức về việc ủng hộ, tôn trọng bản quyền và công sức lao động của những người làm sách chân chính. Mối quan hệ giữa các nhà xuất bản và cộng đồng bạn đọc là vô cùng chặt chẽ, yếu tố quan trọng nhất trong "cuộc chiến" với các sách giả cũng chính là bạn đọc.

Cá nhân tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng và chung tay của các ban ngành, cơ quan các cấp, tập thể các đơn vị xuất bản, các nhà phân phối và quan trọng nhất là bạn đọc cả nước, chúng ta có thể đẩy lùi và giải quyết triệt để vấn nạn sách giả. Đồng thời chung tay xây dựng một cộng đồng đọc sách văn minh, tôn trọng bản quyền, tôn vinh tri thức, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành xuất bản Việt Nam” - ông Lê Hoàng tin tưởng nói.

Khi nói về tác động của sách giả với bạn đọc, ông Lê Hoàng chia sẻ: Đầu tiên sách giả xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của độc giả - đối tượng quan trọng nhất mà ngành xuất bản tồn tại để phục vụ. Độc giả thay vì nhận được những quyển sách chất lượng, xứng đáng về nội dung cũng như hình thức thì lại nhận về những cuốn sách giả không đảm bảo chất lượng nội dung với số tiền bỏ ra không ít hơn bao nhiêu so với chi phí mua sách thật.

Việc sách giả bị đánh máy, sắp chữ lại chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót về chính tả, thậm chí thay đổi về mặt nội dung, gây ra hậu quả khôn lường nếu người đọc ứng dụng những thông tin sai lệch đó vào thực tế. Thêm vào đó, việc một số bạn đọc “chia sẻ lợi nhuận” với những kẻ làm sách giả gây tổn lại lớn đến kinh tế của các nhà xuất bản chân chính, khiến họ không còn đủ chi phí để tái đầu tư vào các đầu sách mới.

Đặc biệt, ông Lê Hoàng cũng khuyến cáo các nhà xuất bản bị xâm hại bản quyền hãy chủ động thu thập chứng cứ về việc các đầu sách của mình bị làm giả để làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó các nhà xuất bản có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sản xuất, in ấn để chủ động ngăn chặn xuất bản phẩm bị làm giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (tem chống hàng giả, in phủ bạc QR code truy cập vào dữ liệu online của sách...)

Sách giả, sách lậu, sách in nối bản trái phép không còn là câu chuyện mới, nó khiến cho các nhà xuất bản thiệt hại kinh tế, “tàn phá” thị trường kinh doanh xuất bản lành mạnh, phát tán những cuốn sách có tư tưởng chính trị sai lệch, làm thất thu ngân sách nhà nước. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khiến các đối tác nước ngoài ngày càng trở nên e dè khi bán bản quyền cho các nhà xuất bản Việt Nam. Đồng thời làm cho người tiêu dùng hoang mang, không biết đâu là thật, đâu là giả.

Hẳn rất nhiều người Việt yêu môn bóng đá đều không quên câu chuyện người hâm mộ nước ta đã không được theo dõi một vài trận đấu vòng loại đầu tiên tại một giải bóng đá nổi tiếng cũng vì vi phạm bản quyền. Nếu so sánh với các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh... thì tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trầm trọng hơn rất nhiều.

Có lẽ đã đến lúc cần sự chung tay của độc giả, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan liên ngành để đấu tranh với những hành vi xâm phạm bản quyền, in lậu sách để “cứu” lấy ngành xuất bản và xóa bỏ nạn in, buôn bán sách giả tràn lan trên thị trường như hiện nay./

Đọc thêm