Sản xuất công nghiệp - động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tăng trưởng kinh tế của Yên Bái có sự chuyển biến tích cực, trong đó động lực chính, quan trọng là từ sản xuất sản xuất công nghiệp.
Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao
Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao

Từng bước phát triển gắn với tiềm năng, thế mạnh

Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) 4 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Yên Bái tăng 9,17% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, sản xuất trang phục tăng 43,39%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 32,96%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 23,33%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 62,78%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 64,15%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 31,51%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 4,84%...

Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng cao như: đá xây dựng khác tăng 31,5%; tinh bột sắn tăng 44,43%; quần áo các loại tăng 55,18%; gỗ dán tăng 24,11%; gỗ lạng tăng 39,82%; sơn và véc - ni tăng 23,33%; dược phẩm khác chưa được phân vào đâu tăng 62,78%; các loại đá lát, đá lát lề đường tăng 19,6%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác chưa được phân vào đâu tăng 18,61%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 36,87%; điện sản xuất tăng 38,37%; điện thương phẩm tăng 3,92%...

Ngoài các ngành có mức tăng trên thì một số ngành giảm so với cùng kỳ như: khai thác quặng kim loại giảm 30,37%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 12,91%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 46,17%; sản xuất kim loại giảm 38,85%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 12,62%; sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,23%...

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển quan trọng, chỉ số SXCN duy trì mức tăng trưởng khá. Trong đó, SXCN đã từng bước phát triển gắn với tiềm năng thế mạnh địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực và mở ra định hướng, hình thành một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng.

Đồng thời, SXCN dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có giá trị gia tăng cao, quy mô sản xuất lớn, chất lượng ổn định, tạo được thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước... và đã trở thành động lực, giữ vai trò chủ chốt phát triển ngành công nghiệp của tỉnh; tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương; ý thức tác phong lao động công nghiệp từng bước được hình thành và phát triển.

Một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Yên Bái có thể kể đến: sản phẩm tinh bột sắn đã đạt sản lượng 20.000 tấn/năm; 65 nhà máy sản xuất chè với sản lượng đạt 30.000 tấn chè khô xuất khẩu/năm. Ngành sản xuất chế biến gỗ có trên 400 cơ sở, sản lượng gỗ chế biến các loại hàng năm đạt trên 200.000 m3. Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác và chế biến hiệu quả cao, công nghệ hiện đại như: xi măng lò quay đạt 1,8 triệu tấn/năm; khai thác và chế biến đá vôi trắng đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm; khai thác một số khoáng sản khác phục vụ cho chế biến trong và ngoài tỉnh như quặng sắt, chì kẽm, graphite, đất hiếm...

Yên Bái triển khai chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao

Yên Bái triển khai chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu giá trị kinh tế cao

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế là SXCN chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm và chưa rõ nét; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và vừa; dây chuyền công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, chất lượng sản phẩm còn thấp, mẫu mã đơn giản; hạ tầng giao thông còn bất cập, thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu thợ tay nghề cao; cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển công nghiệp chưa phát huy được hiệu quả; việc huy động, bố trí các nguồn lực phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dẫn đến thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; chưa tạo ra nhiều chuỗi liên kết sản xuất, gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp của tỉnh...

Ngành công nghiệp sẽ chiếm 25% GRDP của tỉnh năm 2025

Để SXCN của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao, bền vững, các ngành, các cấp liên quan cần có biện pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; khôi phục phát triển kinh tế xã hội theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tỉnh Yên Bái tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; đồng thời, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như dệt may, da giày; ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học.

Mục tiêu của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2021 - 2025 là cơ cấu lại ngành công nghiệp với mục tiêu đưa công nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đến 2025 đóng góp của ngành công nghiệp chiếm khoảng 25% GRDP toàn tỉnh, là khu vực đóng góp nguồn thu quan trọng, chủ lực của ngân sách địa phương. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 20.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9%/năm. Theo đó, cơ cấu lại SXCN theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; xây dựng nền công nghiệp phát triển bền vững, chú trọng phát triển hiệu quả chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ…

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tập trung các giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng Logistics; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp; thực hiện đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu nông lâm sản, thủy sản đáp ứng cho chế biến công nghiệp; rà soát các nguồn tài nguyên, khoáng sản để cân đối cho sản xuất, chế biến công nghiệp; giải pháp về xây dựng thương hiệu, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp; tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Ưu tiên thu hút một số dự án có quy mô vừa và lớn, chủ lực trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm gỗ dán, gỗ ghép thanh, gỗ ván ép như: đồ gỗ nội thất, dân dụng, gỗ lắp ráp; các sản phẩm tinh bột sắn, tinh dầu quế, măng tre, tơ tằm, chè cao cấp; các sản phẩm thực phẩm, thủy sản; chế biến rau quả, phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chế biến nông lâm sản, thực phẩm ở vùng cao.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, Yên Bái đang nỗ lực thực hiện mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhanh, bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Đọc thêm