L ngập ngừng đứng trước cửa tòa soạn với gương mặt và đôi mắt non nớt của cô gái tuổi đôi mươi, nhưng người còn quấn đầy gạc vì những vết bỏng sâu chằng chịt, tôi như thấy tim mình quặn thắt vì thương cảm.
Cô gái L biết đến Báo Pháp luật Việt Nam từ sự giới thiệu của một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình. Tìm đến với Báo, L và gia đình dường như đã không còn một chút gì hy vọng rằng công lý sẽ đến với mình sau tất cả những gì bất công, đau đớn về thể xác, tâm hồn đã phải chịu đựng. Trong lá đơn gửi đến Báo cuối năm 2018, L cho biết trước đó 9 tháng, em đã bị chính người chồng đầu gối tay ấp của mình tưới xăng lên người và châm lửa đốt trong một lần hai vợ chồng xảy ra bất hòa. Khi L nhập viện cấp cứu, bác sĩ đánh giá nạn nhân bị bỏng 79% toàn bộ cơ thể, trong đó 54% là bị bỏng sâu.
Vụ việc của cô gái trẻ đã được công an địa phương tiếp nhận, tiến hành lấy lời khai. Kết luận giám định của cơ quan công an cũng cho thấy tỷ lệ tổn thương cơ thể của L là 73%. Nhưng bẵng đi một thời gian, sự việc dường như “giậm chân tại chỗ” và L vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ công lý được thực thi để người có hành vi bạo lực gia đình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Từ câu chuyện thương tâm của L cũng như mong mỏi “Tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc, trả lại công bằng”, PV đã có những bài viết nói về thực trạng còn rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình vẫn chưa được giải quyết và nạn nhân vẫn mòn mỏi chờ công lý được thực thi, mà vụ việc của L là một ví dụ. Những người làm báo như tôi mong muốn góp thêm tiếng nói tìm công lý cho cô gái là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Sau khi Báo phản ánh sự việc, nhiều người tự xưng là thân thích bên gia đình chồng L đã điện thoại, nhắn tin cho cơ quan qua đường dây nóng với những lời lẽ khiếm nhã, đe dọa. Luật sư của chồng cũ của L cũng gửi văn bản đến Báo đề nghị xử lý thông tin Báo nêu và tác giả bài báo.
Nhưng, bài báo đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan ngôn luận khác, sự quan tâm của các chuyên gia pháp luật, tội phạm. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, dù không phải là người trực tiếp viết bài, cũng đã huy động các mối quan hệ xã hội để mời luật sư, luật gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho L.
Đã gặp L và gia đình, nắm rõ sự việc, cùng với sự đồng hành của các tổ chức có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sau khi sự việc xảy ra, L đã có thời gian được các chuyên gia của Hội hỗ trợ tâm lý và cử luật sư theo dõi vụ việc), nên người viết bài này tin tưởng rằng mình đã đi đúng đường.
Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải, đồng thời chuyển đơn, gửi công văn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, tiến trình giải quyết vụ việc về phía cơ quan tố tụng đã được đẩy nhanh hơn. Buổi thực nghiệm hiện trường đã diễn ra và đêm trước buổi đó, L đã gọi điện cho tôi nức nở: “Cô ơi, ngày mai phải nhìn lại cảnh đó cháu sợ lắm”. Nỗi ám ảnh bỗng dưng trở thành “bó đuốc sống” của L quả thực quá lớn với cô gái trẻ mới 21 tuổi đời.
An ủi, động viên L, tôi chỉ mong sao với sự nỗ lực của nhiều người, công lý sẽ sớm đến để L được an ủi phần nào trong cuộc đời phía trước với một cơ thể thương tật mất thẩm mỹ, khả năng lao động và một tâm hồn vụn vỡ vì đổ vỡ niềm tin với tình yêu đầu đời…
Sau hơn một năm xảy ra vụ việc, từ thông báo của luật sư bảo vệ cho L tôi được biết, quá trình điều tra cũng như thực nghiệm hiện trường cho thấy lời kêu cứu của L về việc bị bạo lực dẫn đến thương tích nặng cả về tâm lý và thể chất mà em phải gánh chịu là có cơ sở. Cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với chồng của L về tội Cố ý gây thương tích.
Tin rằng, tới đây, sau khi vụ án được điều tra làm rõ, một kết cục tốt đẹp sẽ chứng minh cho L và gia đình em thấy rằng công lý vẫn luôn hiện diện ở trên đời, rằng lẽ phải của người yếu thế không bao giờ bị vùi dập vì bất cứ lý do gì. Và chúng tôi vẫn đồng hành với em và gia đình trên con đường đi tìm công lý.