Sạt lở từ miền biển…
Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nơm nớp lo lắng trước những đợt sóng to triều cường liên tục khoét sâu móng nhà.
Ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Lành nằm sát mép biển, bị đánh sập trong cơn bão số 9, cả nhà phải đi ở nhờ. Nay cả nền nhà đổ nát cũng đã “biến mất” theo sóng biển. Cùng với thiệt hại do bão, tình trạng sóng biển xâm thực gây sạt lở ở Phước Thiện ngày càng nghiêm trọng. Cả cây số bờ biển ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét.
Tại các thôn ven biển Thanh Thủy, An Cường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) cũng đối mặt tình trạng bờ biển xâm thực. Năm nay, mức độ càng nhanh hơn. Người dân dùng bao cát, cọc tre, gỗ, gạch… gia cố tạm để chống chọi, nhưng vẫn như muối đổ bể. Riêng thôn An Cường, sạt lở nặng làm ảnh hưởng 70 hộ dân, 220 nhân khẩu.
Tại thôn An Vĩnh (cửa biển Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), dọc ven biển từ trạm kiểm soát biên phòng đến khu vực đồi núi An Vĩnh, dễ dàng nhận thấy nhiều điểm sạt lở, đê kè bị tàn phá nặng. Không chỉ mất đất, mất công trình, sinh kế của người dân bị uy hiếp.
Đất núi lở xuống, biển ngoạm sâu vào đất liền khiến ngọn núi An Vĩnh trở thành mong manh, những hộ dân sống ở chân núi không đêm nào yên giấc. Trưởng thôn Phạm Ngọc Thanh lo ngại: “Trên núi đã xuất hiện những vết nứt, cây cối đổ ngã... Với tình hình này, nguy cơ 5 năm nữa thôn bị xóa sổ”. Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến cho biết, hiện có đến 300 hộ dân bị ảnh hưởng, sống thấp thỏm đêm ngày.
Trong nội địa Quảng Ngãi, sạt lở bờ sông nhiều năm nay cũng là mối lo thường trực với người dân sống hai bên bờ Trà Khúc. Đi qua các cánh đồng bãi bồi thuộc các xã Tịnh Hà, Tịnh Minh và Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh), có thể thấy từng đoạn bờ sông hàng trăm mét đất nông nghiệp đã bị “nuốt chửng”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng (60 tuổi, Bí thư thôn Minh Long, xã Tịnh Minh) đứng bên những bụi tre già đã bị bật gốc, cuốn hết xuống sông, cho hay nhiều vết nứt đất đã ăn vào sâu bên trong đất liền, kéo cả chuồng trại chăn nuôi gần đó sập theo.
Ông Hồng phản ánh, khu vực có 4 công trình được huyện đầu tư từ 2017 để giảm sạt lở. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện mà các công trình có dấu hiệu thay đổi dòng chảy, tạo lực nước mạnh “ngoạm” bờ sâu hơn.
|
Bờ sông Trà Khúc sạt lở tan hoang. |
Căn nhà của ông nay chỉ cách mép sông khoảng 3m. Nguy cơ chỉ cần thêm đợt lũ nhỏ, căn nhà sẽ ụp xuống sông. Đất canh tác ven sông vốn là kế sinh nhai của những hộ dân tại đây cũng không còn. Một số đất vườn, đất bãi bồi đã trở thành lòng sông. Con đường liên xóm, nay mép sông đã tiến sát chân đường.
Tương tự, tại bờ bắc sông Trà, đoạn qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, cũng sạt lở hơn 500m đe dọa hàng chục căn nhà ở thôn Thọ Lộc Tây.
… đến miền núi
Ở miền núi Quảng Ngãi, cũng đối mặt tình trạng núi lở. Ngọn núi Ngọc Prây (thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) nay đã hóa dòng sông, thôn Ra Pân và xóm Huy Duỗi từng bình yên nép bên chân núi nay xem như đã biến mất. Đoạn đường bê tông bị phá hủy, trở thành vực sâu, người dân phải dùng cây nứa ghép cầu khỉ đi qua.
Anh Đinh Văn Vế (34 tuổi, ngụ xóm Huy Duỗi) chỉ tay về hướng sườn núi Ngọc Prây cũ, bảo nhà mình ở đó, đã chìm trong đống bùn đất sạt núi. Trước đó, mưa hơn một tháng trời, cả ngọn núi “no” nước. Một ngày tháng 11/2020, sau ba tiếng nổ nghe muốn thủng màng nhĩ, ngọn núi đổ ập xuống.
Đêm trước khi lở núi, nhà anh Vế có 5 người gồm mẹ già, vợ và các con, may mắn đã dời đi sang nhà người quen ở tạm nên thoát nạn. Mất nhà, anh Vế dựng căn chòi nhỏ, chỉ đủ chỗ kê cái giường, bếp và chiếc bàn ghép cây nứa cho con học bài.
Ở huyện Sơn Tây, đầu tháng 12 cũng xảy ra vụ sạt lở núi ở xã Sơn Long. Trong đêm, trận sạt lở kèm theo nhiều tiếng nổ lớn khiến khoảng 3.000 m3 đất đá tràn xuống tuyến đường nhánh N1 từ khu dân cư A Nhoi 2 đi trung tâm UBND xã, đe dọa sự an toàn 8 hộ dân.
Tại xã Hương Trà (huyện Trà Bồng), cùng thời điểm, vụ sạt lở núi khiến 400 hộ dân với khoảng 2000 nhân khẩu của 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân và Cà Đam đang rơi vào tình thế bị cô lập. Tuyến đường nối 3 thôn suốt thời gian dài vẫn còn bị ách tắc do lượng lớn đất đá đang phủ khắp mặt đường.
Sạt lở núi còn xảy ra tại các thôn Trà Lương, Trà Linh (xã Hương Trà) khiến 9 ngôi nhà hư hỏng. Những người dân bị ảnh hưởng hiện phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, khó khăn chất chồng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Quảng Ngãi, sạt lở xảy ra tại các huyện Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ... với hàng trăm điểm trên các tuyến đường và các khu dân cư, gây ách tắc giao thông, uy hiếp tính mạng tài sản người dân.
Vừa thiên tai, vừa “nhân tai”
PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Mậu Văn cho biết, năm 2020 là năm sạt lở lớn nhất từ trước tới nay. Thống kê sơ bộ, hiện trên toàn tỉnh có 169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 148km; mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5-10m, có những nơi lên đến hơn 30m; phần lớn tập trung ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu…
Về nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở sông, chủ yếu do sự thay đổi dòng chảy của sông. Thêm một nguyên nhân, hiện tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều nên hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra nhanh và ngày càng nghiêm trọng.
|
PGĐ Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết 2020 là năm sạt lở lớn nhất từ trước tới nay. |
Ông Văn cho biết, nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở, những bãi đất bồi màu mỡ dọc các sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu... sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số nơi sẽ không còn đất để canh tác.
Về nguyên nhân sạt lở núi, theo ông Văn, tại những khu vực này, đều có một điểm chung đất tơi xốp, đồng thời chủ yếu chỉ có rừng keo, một loại cây kinh tế vốn không có nhiều tác dụng giữ đất. Nhà ở của người dân thường lọt thỏm giữa những cánh rừng keo, nên khi có mưa lớn kéo dài gặp đất tơi xốp sẽ “ngậm” nước rất nhanh, khiến đất “chảy” như thác lũ.
Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, đơn vị này vào các năm 2019 và 2020 đã về Quảng Ngãi điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở, qua đó nhận thấy địa hình Quảng Ngãi khá phức tạp.
Để giảm tình trạng sạt lở đất, PGS.TS Văn khuyến cáo các địa phương phải nỗ lực, chủ động sử dụng những bản đồ về hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở, đồng thời tích hợp bản đồ này vào trong những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh quy hoạch sao cho an toàn, hợp lý.
Vị trí nào có nguy cơ sạt lở núi cao, chính quyền không nên quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa hay khu tái định cư; chỉ nên trồng rừng phòng hộ.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết những hộ trong khu vực sạt lở không thể ở được nên đã đề nghị tỉnh cho di dời đến tái định cư tại các lô đất trong Khu Kinh tế Dung Quất.
UBND huyện Bình Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở tại thôn An Cường, xã Bình Hải với chiều dài kè 550m, kinh phí khoảng 70 tỷ. Bờ kè được xây dựng sẽ giữ được dân, giữ được đất và khi có bờ kè đời sống kinh tế người dân, giá đất sẽ tăng cao. Đồng thời, tại đây ngư dân có thể làm khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Tại khu vực Tịnh Kỳ, cũng cần có kế hoạch xây dựng đê, kè chắn sóng biển và về lâu dài cần xem xét, hỗ trợ và đầu tư vốn cho người dân chuyển đổi ngành nghề…
Với sạt lở núi, theo chính quyền huyện Sơn Tây, phải tìm nơi tái định cư cho bà con, vì hiện nhiều hộ còn nhà nhưng không dám về xóm cũ. Tuy nhiên, với địa hình quá đồi dốc, nên việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp không đơn giản. Ngoài ra, để san ủi làm hạ tầng mặt bằng tái định cư và hỗ trợ bà con dựng nhà, cũng cần kinh phí rất lớn.