Sau bão, ngư dân hối hả đánh những mẻ cá lớn

(PLO) - Sau bão số 10, tôm, cá nhiều, các tàu cá sau khi bơm dầu, lấy nước, đá cây lại tấp nập ra khơi đánh bắt cá. Tàu nào cũng treo cờ đỏ sao vàng. Những lá cờ tung bay trong gió giữa biển khơi khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khẳng định quyết tâm bám biển của ngư dân.
Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Quang với màu áo Tổ quốc ở Hoàng Sa.

Xem hướng gió từ lá cờ Tổ quốc

Tàu cá QNG 94359TS  tỉnh Quảng Ngãi đã bước sang ngày thứ 3 của cuộc hành trình. Tàu vỏ thép nên ngư dân cắm 2 lá cờ Tổ quốc, một lá cờ trên đỉnh trụ cẩu và một lá cờ trên nóc ca bin. Ra khơi mới hiểu, những chiếc máy dò quét cá hiện đại có tầm quét được giới thiệu là vài trăm mét nhưng ngư dân muốn đánh bắt thành công thì cần phải có thêm chiếc máy “dò quét miệng”. Đó là hàng ngày hỏi thăm các ngư dân bạn bè về tình hình đánh bắt ở từng khu vực. Nắm được khu vực đang có nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định đang thả trôi thì ngư dân sẽ cho tàu di chuyển đến thật nhanh và bật máy quét kiểm tra tín hiệu luồng cá.

Từ buổi trưa, tàu đã chạy đến vùng biển giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định, cách bờ khoảng 70 hải lý. Biển trong xanh và thanh bình với những gợn sóng nhẹ nhàng như mời gọi ngư dân trong bờ tập trung ra biển đánh bắt. Đến chiều tối, đường chân trời xuất hiện vòi rồng. Mây đen ùn lên như hình một chiếc phễu khổng lồ. Đuôi chiếc phễu cắm xuống mặt biển, miệng phễu tỏa ra như nhánh cây của một gốc đại thụ ngàn năm tuổi. Ngư dân Trần Tấn Kiệt cho biết: “Sắp có giông, khi nào cái đuôi vòi rồng kia mà nó đứt ra khỏi mặt biển thì giông mới đứng, còn không thì gió còn thổi mạnh”.

Trên biển, các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thường dự báo tương đối chính xác về tình hình bão. Nhưng đối với những chiếc vòi rồng và áp thấp nhiệt đới bất ngờ chuyển thành bão thì ít khi dự báo trước được. Vì vòi rồng xuất hiện rất nhanh rồi lại biến mất. Khi vòi rồng xuất hiện, ngư dân chỉ còn cách thả neo dù và chịu trận cho đến khi vòi rồng hết đuôi. Dù neo là một chiếc dù vải rộng khoảng 20 mét. Vì vùng biển sâu không thể thả neo nên chiếc dù này bung ra dưới nước sẽ giúp con tàu xuôi với sóng và không bị chao mạnh.

Gió thổi mạnh và sóng ào ạt ập về phía mạn tàu. Trong gió, lá cờ Tổ quốc căng ra và phát âm thanh phần phật như tiếng va đập trên mái nhà. Một ngư dân nhìn tốc độ chao đảo của lá cờ và dự đoán, gió chừng cấp 6. Dưới bầu trời xám xịt, các ngư dân liên tục nhìn lá cờ để biết hướng gió. Vì nếu gió bất ngờ đổi hướng thì ngư dân phải cho tàu xoay mũi sang hướng khác. Trong những cơn bão mạnh, nhìn hướng gió là biết yếu tố sống còn của thuyền trưởng và con tàu.

Sau khi bão đi qua, các ngư dân phải luôn nhìn lên lá cờ để xem gió “lại nồm”. Phần lớn các tàu cá không bị nạn trong bão mà lại bỏ xác vào lúc gió “lại nồm”. Đó là khi bão ngớt thì gió trở ngược, lá cờ đảo chiều, trong khi một số tàu vẫn giữ neo và mũi thuyền theo hướng cũ. Nếu gió trở nồm bất ngờ, ngư dân bò ra boong tàu sẽ bị gió thổi bay xuống biển, tàu không kịp trở lái thì sẽ bị đánh chìm. Cứ sau mỗi cơn bão, những con tàu trở về bến với những lá cờ bạc màu và xác xơ, còn ngư dân thì khuôn mặt bơ phờ và mái tóc rối.

Thắng lớn những mẻ lưới sau bão 

Tàu cá làm nghề lưới rút của ngư dân tỉnh Quảng Nam thường đi tìm cờ lúc  bình minh. Cứ vào lúc trời sập tối, con tàu chong đèn để thu hút cá. Dưới mỗi con tàu là một “nhà máy điện” nhỏ. Vì trong hầm tàu, máy phát điện đôi khi to hơn cả máy tàu. Mỗi tàu cá thường gắn khoảng 40-60 bóng đèn pha, loại 1.000W/bóng, vị chi là chiếc máy phải chạy tải khoảng vài chục ngàn oát để kéo giàn đèn thu hút cá. Ở những vùng biển xa, đêm xuống có thể ngồi ngắm bóng cờ Tổ quốc hiện ra dưới ánh sáng của mấy chục ngọn đèn pha trên những con tàu đang đánh bắt bên cạnh.

Khi trời sập tối, ngồi bên tàu này có thể nhìn thấy ngư dân bên tàu bên cạnh đi lại và câu mực ngoài boong tàu. Lúc nửa đêm, những con tàu này vắng bóng người, chỉ còn lá cờ Tổ quốc đang thao thức một mình dưới ánh đèn khuya. Do đèn pha quá sáng, vì vậy màu đỏ của lá cờ hơi bạc sang màu trắng như lá cờ từng trải qua nhiều ngày giông gió sạm màu. Ngoài cột cờ trên nóc tàu, mỗi tàu cá còn đặt sẵn một lá cờ gắn phao trên mũi tàu và ngư dân gọi là cờ lưới. Cột cờ lưới được thả xuống biển làm cột cờ tín hiệu, ngư dân sẽ đi tìm cờ vào lúc bình minh.

Lúc 3 giờ sáng, tất cả các tàu cá Quảng Nam bắt đầu gọi ngư dân thức giấc và hò reo kéo lưới. Mẻ lưới nào càng nhiều cá thì tiếng hò càng vang dậy khắp boong tàu. Trước khi ngư dân kéo lưới, thuyền trưởng sẽ ấn định vị thả cột cờ trên biển, sau đó ngư dân sẽ tháo dây cho cột phao mang theo lá cờ giữa biển để tàu liên tục chạy đi quây luồng cá. Mỗi đêm, ngư dân đánh được vài mẻ lưới. Khi bình minh ló rạng báo hiệu một ngày mới, thuyền trưởng ấn vào định vị tìm vị trí thả cột cờ. Con tàu lao đi về hướng có lá cờ đang tung bay giữa biển. Mỗi lần cột cờ được kéo lên tàu, cảm giác như vừa tìm lại được một vật thiêng liêng sau một đêm xa cách quá lâu rồi.

Nghị định 67 của Chính phủ đã cho ra đời nhiều chiếc tàu vỏ thép làm nghề lưới rê. Đây là loại lưới hiện đại nhất hiện nay, lưới có chiều dài lên đến 14km. Để đánh dấu với các tàu hành trình trên biển về vị trí thả lưới và các điểm phao nổi, các thuyền trưởng gắn rất nhiều cột cờ Tổ quốc dọc theo triền lưới. Hừng đông ló lên ở đường chân trời, lưới được kéo về tàu và trôi theo những cột cờ Tổ quốc. Có đêm trời trở gió và nước biển thay đổi dòng chảy, lưới dồn nhanh về một hướng, kéo theo nhiều cột cờ tung bay giữa Biển Đông như một cụm cờ Tổ quốc.

Tàu cá hiện đại của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hiện nay đều trang bị máy dò ngang để quét luồng cá. Trên máy dò, các ngư dân biến biểu tượng của mỗi con tàu trên Biển Đông là một lá cờ đi kèm với số tàu. Lần nào máy dò cá khởi động, các ngư dân trên tàu đều nhìn vào màn hình ồ lên với tiếng reo: “Nhiều cờ quá, cờ Tổ quốc đang cắm khắp biển khơi”.

Đọc thêm