Một tiến trình tự nhiên không thể trốn tránh
Trong dòng chảy cuộc sống hiện tại con người ai cũng có xu hướng coi trọng tuổi trẻ và cố gắng trốn tránh sự già nua và cái chết. Hầu hết mọi người đều mong muốn cho bản thân mình được mãi mãi trẻ trung.
Cái đẹp sẽ phải đi cùng sự trẻ trung là quan điểm mà dường như ai cũng công nhận và theo đuổi. Bởi vậy ngày càng có hằng hà sa số những bài báo, bài thuốc, công cụ… được sinh ra để làm thế nào ngăn chặn tuổi già và giữ mãi sự trẻ trung.
Tuy nhiên, hiện thực thì luôn chẳng bao giờ huyễn hoặc. Dù con người cố gắng làm phẫu thuật, sử dụng mọi phương pháp can thiệp từ bên ngoài tới bên trong thì thực tế cơ thể của chúng ta ngày một suy thoái. Bệnh tật, già nua… ngày càng xuất hiện nhiều và chẳng ai có cách nào ngăn cản hay trốn tránh.
Thuyết giảng về vấn đề này, Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo hiện là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo nữ Quốc tế (Sakyadhita) nói rằng: trong các xã hội truyền thống, tuổi già được coi là một tiến trình tự nhiên và không bị xem là thứ phải né tránh hay ngăn chặn càng đến muộn càng tốt. Thay vào đó, nhận thức chung cho rằng tuổi giả đồng nghĩa với tăng trưởng tri thức và sự hiểu biết. Tuổi già đồng nghĩa với trí tuệ và kinh nghiệm.
Các thành viên cao tuổi trong gia đình nhận được sự tôn trọng và thường đảm nhận các vai trò là người mẫu mực, tư vấn, dạy bảo cho con cháu. Đó là vai trò quan trọng mà người già đảm nhận trong gia đình và xã hội.
Còn ở phương Tây có một loại tính cách điển hình trong văn học và phim truyện về những bà lão trí tuệ. Những khuôn mặt già nua, nếp da nhăn với đôi mắt rực sáng tràn đầy tình thương yêu và trí tuệ thường bộc lộ vẻ đẹp đích thực.
Suy hoại là bản chất của tất cả sự vật do duyên hợp. Phật pháp giúp con người nhìn trực diện vào những sự thật dường như không lấy gì làm vui vẻ này của sinh tử. Hơn thế Phật pháp còn giúp chúng sinh tận dụng chuyển hóa chúng thành những phương tiện trên con đường đạo để tự tại sinh tử.
Nhiều người khi bước vào tuổi già đều cảm thấy rằng những tháng ngày đáng sống của họ đã chấm dứt và họ chẳng còn hữu ích gì cho xã hội cả. Với thái độ này, tuổi già thật đáng sợ và cần phải tránh né càng lâu càng tốt.
Bánh Xe Sự Sống hay Vòng Luân Hồi trong đạo Phật. |
Vậy thì con người sẽ phải làm gì với một thực tế không thể trốn tránh được, phải làm gì để tuổi già trở nên có ý nghĩa. Ở các nước có truyền thống Phật giáo, theo phong tục là trẻ em lớn lên, rồi thoát ly gia đình, đảm nhận những trọng trách xã hội, rồi khi các trọng trách đó dần kết thúc, các hoạt động thường nhật của mỗi người bắt đầu hướng nội nhiều hơn, hướng tới giáo pháp và chuẩn bị đời sống của mình để có thể sẵn sàng cho cái chết và sự tái sinh trong tương lai.
Trong các xã hội Phật giáo truyền thống, nhiều người già đã quy y, thụ nhận tám giới và giành thời gian cho thiền định hay các thực hành như đi nhiễu quanh các thánh tượng, bảo tháp linh thiêng, lễ lạy, trì tụng, viếng thăm chùa, chính điện… Pháp trở thành trung tâm điểm trong đời sống và họ nuôi dưỡng tâm chí thành như vậy. Theo cách này, đời sống của người già ngày càng trở nên có ý nghĩa và quan trọng, thậm chí còn là bước chuyển có ý nghĩa thực sự trong đời sống.
Bởi vậy, thay cho việc trốn chạy tuổi già, dù cho thực tế tuổi già đi kèm với sự già nua không thể tránh được về mặt thân thể, con người hãy vui vẻ chào đón một giai đoạn mới của cuộc đời và khám phá những tiềm năng của nó. Mỗi người có thể lựa chọn coi tuổi già là sự suy hoại dần tất cả những mong ước của mình nhưng cũng có thể coi tuổi già là giai đoạn mới đầy hứng khởi.
Nếu ai có một đời sống khá bình an và nỗ lực hòa nhập Pháp trong dòng tâm, tìm cho mình một đức tin trong sáng thì cái chết không có gì đáng sợ hãi. Cũng như nhà văn J. K. Rowling đã viết trong câu chuyện Harry Porter của mình thông qua lời khuyên của Giáo sư Dumbledore: “Đối với một với một dòng tâm được rèn luyện kỹ càng, cái chết chỉ là một hành trình vĩ đại tiếp theo đời sống này mà thôi”.
Cuộc sống tiếp diễn sau khi kết thúc?
Theo đó, có phải cái chết đã là sự chấm hết của một con người tuổi già? Trong đạo Phật, sau cái chết sẽ luôn có cõi luân hồi, tái sinh. Luân hồi là sự sống chết nối tiếp nơi một con người. Dòng nhân quả diễn tiến một cách liên tục mà không bị hạn cuộc trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn lòng tham sống và còn làm điều ác thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo.
Đức Phật luôn giảng giải rằng, sau khi thân xác này ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước. Cần lưu ý dòng sống này luôn chuyển biến chứ không phải là một linh hồn bất tử đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.
Tuổi già là thứ chẳng thể cản ngăn, con người chỉ có thể lựa chọn sống với nó như nào. |
Cùng với đó Sự tái sinh theo đạo Phật, không có nghĩa là sự nhập xác hay là sự nhất tính sinh trở lại thế giới loài người này với “cái linh hồn xưa cũ không thay đổi”. Do nghiệp lực ác hay lành mà sau khi thân xác chết đi, một hình thái khác cao hơn loài người như các loài trời hoặc thấp hơn loài người như cầm thú, ma quỷ và các loài cực khổ sẽ hiện thành.
Giáo lý luân hồi là câu trả lời duy nhất hợp lý cho câu hỏi “sau khi chết còn hay mất”, chứ không phải là câu trả lời “sau khi chết người ta sẽ sinh vào thiên đàng hay địa ngục và sống ở đó đời đời kiếp kiếp” hay câu trả lời “không còn gì nữa sau khi chết”.
6 cõi luân hồi trong Phật bao gồm: Cõi trời; cõi thần; cõi người; cõi súc sinh; cõi ngọa quỷ; cõi địa ngục. Đặc điểm chung của các cõi 6 luân hồi là vô thường, chúng ta khi chết sẽ được tái sinh vào một trong 6 cõi này.
Tùy theo nghiệp của mỗi người đã làm được nhiều việc tốt hoặc cố tình làm nhiều việc xấu sẽ được tái sinh vào các cõi trên là các cõi trời, cõi thần, cõi người dành cho ai có nhiều việc làm tốt. Cũng có thể ai đó sẽ tái sinh vào các cõi dưới là cõi súc sinh, cõi ngọa quỷ, cõi địa ngục dành cho chúng ai có nhiều việc làm xấu. Còn những chúng sinh đã chứng quả A-la-hán thì sẽ không phải luân hồi sau khi chết nữa.
Tại Việt Nam và trên thế giới, không hiếm những câu chuyện về việc con người tái sinh. Nhiều người sau khi ra đời đã nói và nhớ về kiếp trước của mình. Những điều tưởng chừng vô lý lại được họ kể một cách chính xác khiến cho cả giới khoa học hiện đại cũng phải thừa nhận.
Năm 2010, dư luận Việt Nam xôn xao câu chuyện kỳ lạ của cháu Nguyễn Phú Quyết Tiến ở Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình. Theo đó, cháu tên là Bình sinh ngày 6/10/2002 con của anh Hoan, chị Dự nhưng cháu cứ nằng nặc nhận mình là cháu Quyết Tiến (con chị Thuận anh Tân) - đứa trẻ đã chết cách đây hơn mười năm và đòi về ở với bố mẹ người đã chết. Sau khi đưa ra nhiều "bằng chứng" chứng tỏ mình là cháu bé đã chết, cháu Bình đã được nhận về nuôi như một sự sống lại của linh hồn đã chết trước đó.
TS.Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA), khẳng định, những chuyện đầu thai ở Hòa Bình đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác, không phải là cá biệt. Bản thân ông trong hơn 20 năm qua đã cùng nhiều giáo sư đầu ngành nghiên cứu và ghi nhận nhiều trường hợp tương tự như câu chuyện trên.
Ở nhiều nước trên thế giới, “tái sinh” còn mang cả hình ảnh của quá khứ và những câu chuyện tương tự như bé Tiến. Chính vì thế, theo ông, hiện tượng “tái sinh” cần được nhìn nhận và nghiên cứu trước khi khẳng định hoặc phủ định.
Ông Khanh khẳng định, không thể coi “đầu thai” là hiện tượng mê tín dị đoan mà chỉ nên coi nó là hiện tượng khó lý giải mà khoa học chưa thể với tới được.
“Trên thực tế những câu chuyện về “tái sinh” vẫn tồn tại bất chấp chúng ta có tin hay không. Có người thật, việc thật nếu phủ định hoàn toàn thì đó chính là mê tín cực tả (thái độ chủ quan, coi nhận thức của mình là cao nhất, đúng nhất, coi những hiện tượng mình không biết là không đúng, không có thật). Tuy nhiên, cũng không nên để mình rơi vào trạng thái mê tín cực hữu (tin mê muội, không cần biết đúng sai). Đó chính là nguyên nhân sinh ra những chuyện lừa đảo, mị dân, những dị nhân hoang tưởng bịp bợm…”.