Sinh viên đi làm thêm: “được” hay “mất”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làm thêm để kiếm thêm thu nhập, phát triển bản thân nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bất cập khiến sinh viên phải cân nhắc. 

Sinh viên đi làm thêm không là một chủ đề quá xa lạ mà đã trở nên phổ biến đối với cộng đồng sinh viên. Nhưng việc đi làm thêm của sinh viên là lợi hay hại thì đó thực sự là một dấu hỏi để chúng ta cần giải đáp.

Lợi ích khi sinh viên đi làm thêm

Cái lợi mà ta có thể nhận thấy rõ ràng nhất của việc đi làm thêm của sinh viên đó là giúp tự bản thân trang trải cho cuộc sống. Việc làm thêm sẽ giúp sinh viên giúp được phần nào gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn những vẫn muốn được theo đuổi niềm đam mê học tập.

Sinh viên đi làm thêm

Sinh viên đi làm thêm

Việc đi làm thêm còn giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc, biết cách “va chạm” với những vấn đề của cuộc sống mà ta khó tránh khỏi. Đi làm thêm gặp gỡ nhiều người, tạo dựng các mối quan hệ cũng mở ra cho sinh viên những cơ hội quý giá trong tương lai. Nhờ sự trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhau, sinh viên sẽ được mở rộng tầm hiểu biết, thuận lợi trong cuộc sống và công việc.

Bất cập khi sinh viên đi làm thêm

Đi làm thêm sẽ phải phân bổ thời gian để có thể vừa học vừa làm nhưng nếu thời gian để học và làm không được sinh viên phân chia cân bằng thì kết quả của cả hai việc sẽ không được hiệu quả.

Với sinh viên đại học, có thể nói lượng kiến thức cần tiếp thu cùng các bài tập là rất nhiều nếu như không đầu tư thời gian, công sức thì sẽ khó có thể hoàn thành tốt được cùng với đó phải dành thời gian cho làm thêm thì càng trở nên khó khăn.

Hơn nữa, không phải công việc làm thêm nào cũng mang lại cho sinh viên “kinh nghiệm” cho nghề nghiệp mai sau. Liệu rằng bán quần áo, bán trà sữa, rửa bát, bưng phở, ...v.v. có thể giúp cho sinh viên trong việc phát triển bản thân?

Sinh viên đi làm thêm

Sinh viên đi làm thêm

Tại hội thảo với chủ đề “Sinh viên có nên đi làm thêm” do Tổ chức Giáo dục quốc tế Langmaster tổ chức, T.S. Lê Thẩm Dương cũng cho rằng: “Kinh nghiệm không phải chỉ có va chạm do cuộc sống tạo ra, mà ngay khi trên ghế nhà trường, sinh viên đã được học rất nhiều kinh nghiệm từ thầy cô, từ những chuyến thực tập, thực hành trên lớp, chưa kể là các hoạt động của câu lạc bộ và trường tổ chức. Các bạn còn quá trẻ để tìm kiếm kinh nghiệm trong cuộc sống”.

Mặt tiêu cực mà sinh viên đi làm thêm gặp phải đó là tình trạng làm không lương, không hợp đồng, lương nhận được không xứng với công sức bỏ ra. Đây là vấn đề mà được nhiều sinh viên quan tâm và gặp phải trong quá trình làm thêm của mình.

Đã có nhiều trường hợp sinh viên đi làm thêm không nhận được tiền lương mà còn phải bồi thường tiền hay bị lừa. Với một sinh viên khi đang còn trẻ và thiếu kinh nghiệm thì việc bị quỵt lương hay nhận lương không xứng với công sức bỏ ra là khó tránh khỏi chính vì vậy khi lựa chọn một công việc làm thêm nào đó cần phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ càng để không gặp những vấn đề xấu ảnh hưởng đến bản thân và mọi người đặc biệt là việc học.

Thêm vào đó là vấn đề về sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Đồng tiền đi liền mồ hôi, không có công việc ngoài xã hội nào là nhẹ nhàng hay lãng mạn như trong các bộ phim truyền hình. Sinh viên đi làm thêm cùng lúc vừa phải làm việc đòi hỏi cường độ cao vừa phải chịu một áp lực lớn mà việc học trên trường đem lại. Đây là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về tâm lý, thể chất ở người trẻ.

Qua những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được, chúng tôi mong rằng các bạn sinh viên khi lựa chọn một công việc làm thêm nào đó cần phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ càng để không gặp những vấn đề xấu ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của bản thân mình.

Đọc thêm