Thế nhưng, may mắn thay vẫn có không ít người vì trân quý những giá trị văn hóa dân gian mà âm thầm níu giữ. Họ như những “sợi chỉ đỏ” âm thầm vun bồi sức sống dân gian cho tâm hồn con trẻ…
Sức sống bền bỉ
Mỗi dịp Trung thu, nhắc đến nghiệp làm đèn ông sao ở Báo Đáp (Hồng Quang, Ninh Trực, Nam Định), đầu lân làng Gạo (Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định), chiếc tàu thủy sắt tây Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), đèn kéo quân (Thanh Oai, Hà Nội), tiến sĩ giấy (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), mặt nạ giấy bồi ở Hàng Than (Hà Nội)… chẳng mấy ai không biết. Sở dĩ những “thương hiệu” này được biết đến một phần bởi nét tinh túy thuần Việt, phần khác vì chúng đều là hàng hiếm, còn ít người gìn giữ.
Nghịch lý ở chỗ dù nổi tiếng nhưng phần lớn những nghệ nhân còn giữ nghề lại chẳng thể sinh nhai bằng cái nghiệp đeo bám. Chẳng thế mà, cách đây ít năm, vào một dịp ghé thăm làng đèn kéo quân Đàn Viên (Thanh Oai, Hà Nội), trong ngôi nhà nhỏ tràn ngập tre, nan, giấy bóng… tôi vẫn nghe được tiếng thở dài thườn thượt của ông Vũ Văn Sinh. Không rầu lòng sao được khi cả thôn Đàn Viên này ngoài ông Sinh và ông Nguyễn Văn Quyền chẳng ai còn theo nghiệp làm đèn.
Như hồi tưởng lại một thuở hưng thịnh của làng đèn, ông Sinh tay dán giấy, miệng ngân nga bài dân ca mang dáng dấp chiếc đèn kéo quân được thắp sáng trong mùa hội: “Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù/ Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh ớ ơ/ Bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau/ Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là/ Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù...”. Lời ca chưa kịp dứt, hứng thú cũng chưa ngắt quãng cao trào thì bất giác người nghệ nhân buông lời: “Làng có nghề đấy, đèn đẹp đấy nhưng còn mấy ai chơi đèn kéo quân”.
Quả thực, trước sự xâm lấn ồ ạt của các sản phẩm đồ chơi ngoại nhập bắt mắt, Tết Trung thu cũng chẳng được mấy gia đình coi trọng. Nó biến chất thành dịp để người lớn thương mại hóa “văn hóa” biếu tặng. Dĩ nhiên, Trung thu cũng vì thế mà không mấy vẹn tròn trong đôi mắt con trẻ. Đèn làm ra không bán được, người làm nghề ở Đàn Viên dù xót lòng với cái nghiệp truyền đời nhưng vẫn phải xoay sở, tìm đủ thứ nghề khác để tồn tại.
Cả làng đã bỏ nghề, vậy sao ông vẫn làm đèn? Đáp lại câu hỏi của tôi, ông Sinh chỉ cười bâng quơ rồi tủm tỉm: “Nghề không đơn thuần là một nghề nữa, nó là thú vui khó bỏ. Cả năm bận bịu với nghiệp chính là sản xuất pháo bông, chăm sóc ruộng vườn nhưng cứ rảnh rang, đặc biệt là những ngày cận kề Trung thu thì cả gia đình tôi lại vuốt nan, làm đèn”.
Cũng như ông Sinh, đã nhiều năm nay, người dân ở phố Hàng Lược, Hàng Mã (Hoàn Kiếm) đã quen với tiếng trống rộn rã vang lên tại gian hàng nhỏ bé của bà Nguyễn Thị Thụng. Theo dòng thời gian, hòa với cơ chế thị trường, các đồ trò chơi dân gian dần nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc sặc sỡ đủ sắc màu kèm theo những tiếng nhạc chói tai…
Ấy vậy mà bà Thụng vẫn kiên trì, bán những đồ chơi dân gian. Nhắc chuyện này, bà Thụng tỉm tỉm: “Tôi chỉ mong các cháu nhớ về cội nguồn, biết được truyền thống ông cha và không quên tiếng trống lễ hội với sức sống đã hàng ngàn đời nay…”.
|
Làm mặt nạ giấy bồi ở Hàng Than |
Hi vọng còn mãi những mùa trăng
Cách đây ít hôm, khi tìm lại làng đèn Đàn Viên, tình cờ tôi chứng kiến hàng chục chiếc đèn đang được xếp lên ô tô chờ xuất đi khắp các tỉnh trên cả nước. Giờ đây, đèn kéo quân Đàn Viên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Đối với sản phẩm tiêu thụ ở các đô thị, loại đẹp, kích cỡ lớn nhỏ khác nhau bán với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/chiếc. Với nông thôn, những chiếc đèn vẫn có giá bình dân, thông thường được bán với giá từ 50.000 – 120.000 đồng/chiếc.
Vậy là làng đèn cù vẫn âm ỉ cháy? Suy nghĩ ấy bất giác hiện ra trong đầu tôi khi chứng kiến một phụ nữ trẻ là hàng xóm cạnh nhà ông Sinh đang hí hoáy đốt thử chiếc đèn kéo quân. Có thể lắm chứ, bởi cả gia đình ông Sinh từ vợ, cậu con trai Vũ Văn Tuấn, con dâu đến thành viên nhỏ tuổi nhất là bé Vũ Văn Hoàng năm nay 9 tuổi cũng đều theo nghề. Họ gìn giữ cái nghề “chẳng đủ ăn” này như một thú vui khó bỏ.
Có một điểm lạ, tựa như một nét riêng liên quan tới những nghệ nhân còn sót lại của làng nghề làm đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt… mà tôi từng có dịp tiếp xúc đó là: những mùa Trung thu tràn đầy tiếng cười con trẻ. Trong câu chuyện về mùa hội của họ, tất thảy con trẻ đều đeo những chiếc mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh, gõ trống đợi trăng lên cao. Đến khi vầng trăng tròn vành vạnh tỏa sáng giữa bầu trời thì mâm cỗ được phá.
“Trong đêm Tết Trung thu, trẻ cũng rất thích chơi trò rồng rắn. Đi trước là đội múa lân, đội gõ trống, trên tay cầm những chiếc đèn rực rỡ sắc màu và hình thù, hát vang những giai điệu vui tươi rộn ràng: “Ông giẳng ông giăng/Xuống chơi với tôi/ Có nồi cơm nếp/Có nệp bánh trưng/ Có lưng hũ rượu/Có khiếu đánh đu/ Thằng cu vỗ chài/Bắt chai bỏ giỏ...” – một nghệ nhân hồi tưởng. Có lẽ vì tình yêu, sự hoài niệm về những mùa trăng mà những nghệ nhân đều cố sức giữ gìn nghề cha ông truyền thống.
Cũng đáng mừng là, sự trân quý văn hóa ấy đã tác động đến ý thức khá nhiều người. Để rồi những trò chơi dân gian, sản phẩm văn hóa thuần Việt ít nhiều đã được người dân lưu tâm hơn, trở thành động lực, tiếp sức cho những nghệ nhân gìn giữ, vun đắp thêm sức sống của dòng chảy văn hóa dân gian thắm đượm hồn quê.