Lệch chuẩn “thần tượng”
Khái niệm “Thần tượng” của giới trẻ hiện nay không chỉ còn là những diễn viên, ca sĩ, ngôi sao trong các lĩnh vực như giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao… mà đã mở rộng đến những “giang hồ mạng” là các nhân vật không có tài cán gì, chỉ giỏi bày ra nhiều chiêu trò lố bịch vi phạm đạo đức trên mạng xã hội để thu hút lượt người xem với mục đích kiếm tiền, thoả mãn thú ăn chơi.
Những cái tên như Khá “Bảnh”, Huấn “hoa hồng” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền đều không còn xa lạ với các bạn trẻ hiện nay. Đây đều là những hiện tượng mạng có quá khứ bất hảo, tiền án, tiền sự cũng như nhiều phát ngôn gây sốc với những video clip có nội dung bạo lực như đánh người, đòi nợ thuê. Thế nhưng, đây đều là “thần tượng” của khá nhiều các bạn trẻ.
Người ta không khỏi ngán ngẩm trước hình ảnh các em học sinh đứng chờ, vẫy tay chào đón Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá) cuồng nhiệt như một “anh hùng” tại phiên xét xử sơ thẩm về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc của hắn.
Một số bạn trẻ bay lắc. |
Đây không phải lần đầu tiên, Khá “Bảnh” được chào đón như vậy. Trước đó, nhiều người cũng không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh nhân vật này được nhiều thanh niên, thậm chí cả những em học sinh vai đeo khăn quàng đỏ chen chân chụp ảnh, xin chữ ký tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Sự lệch lạc trong nhận thức của giới trẻ về “thần tượng” không thể là vô hại mà có thể mang lại những hậu quả lâu dài… Các em sẽ bắt chước từ hành vi, lời nói, việc làm của những “thần tượng” mà mình “yêu thích”. Nghiêm trọng hơn, sự lệch chuẩn “thần tượng” có thể dẫn đến những hành động cổ súy cho tư duy cực đoan, định hướng lệch lạc trong sự phát triển nhân cách và những nguy hại khó lường.
Lệch chuẩn trong đạo đức và lối sống
Trong thời kì hội nhập với thế giới cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mỗi người, mỗi gia đình đều có thể dễ dàng có được những phương tiện truy cập internet. Điều đó vừa tạo thuận lợi cho việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa, thông tin hữu ích, nhưng đồng thời cũng là mối hiểm nguy khi người sử dụng không biết chọn lọc thông tin.
Trong khi, mạng xã hội của chúng ta chưa được quản lý triệt để, có rất nhiều thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của người chơi, đặc biệt là giới trẻ. Với tâm lý lứa tuổi, thanh, thiếu niên chưa phân biệt được hết cái tốt, cái xấu; và với bản tính tò mò, thích khám phá cái mới lạ, không được định hướng cũng như chưa biết tự kiểm soát, dễ dàng bị hấp dẫn và hòa nhập theo những lời nói, hành vi “lệch chuẩn” này.
Điển hình đó là giới trẻ đang có xu hướng quan hệ tình dục (QHTD) ngày càng sớm. Xu hướng sống nhanh, sống gấp, sống hưởng thụ dẫn đến sự lệch chuẩn trong quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội hay quan hệ nam nữ đang có chiều hướng gia tăng. Biểu hiện dễ thấy là tình trạng “yêu cho vui”, “góp gạo thổi cơm chung”, sống như vợ chồng của nhiều cặp đôi sinh viên đi học xa nhà.
Theo một nghiên cứu tại một số trường nội và ngoại thành Hà Nội thì: Có khoảng 10% học sinh đã từng QHTD; tính đến hết lớp 12 thì con số là 39%. Cùng với xu hướng QHTD sớm, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15 - 19 tuổi) của Việt Nam hiện bị xếp vào hàng cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần.
Vụ việc nữ sinh V.A. 21 tuổi ném con mới sinh qua cửa sổ tầng 31 ở chung cư tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội gây bàng hoàng trong dư luận. Sự việc này cũng đặt ra những vấn đề lớn xung quanh chuyện tình yêu, tình dục và những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Một số bộ phận giới trẻ sống buông thả, “yêu cho vui”. |
Bên cạnh đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp một bộ phận sinh viên đang có lối sống vị kỷ, thờ ơ với các phong trào thanh niên, phong trào sinh viên. Họ còn coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, quan tâm những lợi ích trước mắt hơn những lợi ích lâu dài, thích sống hưởng thụ, dễ dao động trước hoàn cảnh, thiếu kiềm chế, dễ nản chí khi gặp khó khăn.
Nhiều thanh, thiếu niên ham chơi, bỏ học giữa chừng, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thậm chí là tụ tập băng nhóm, trộm cắp, hành xử kiểu giang hồ, gây rối trật tự công cộng. Thủ phạm của các vụ đánh nhau, giết người xảy ra hiện nay đa phần là học sinh, sinh viên tuổi vị thành niên. Mục đích của họ chỉ để phục vụ nhu cầu trước mắt của mình như ghen ghét, trả thù hay vì một chút lòng tham mà trộm cắp, cướp giật tài sản.
Ngăn chặn sự lệch chuẩn của người trẻ - Trách nhiệm không của riêng ai
Giới trẻ là lớp người tiếp cận nhanh nhạy với cái mới. Đa số người trong độ tuổi này tiếp thu cái mới theo hướng tích cực, nhưng một bộ phận lại chưa biết chắt lọc những điều tốt đẹp mà tiếp thu, dung nạp cái xấu, cái tiêu cực do nhận thức, tầm hiểu biết, kinh nghiệm sống còn hạn chế.
Ngoài ra, nhiều thanh, thiếu niên học theo lối sống không chuẩn mực từ người lớn, bị ảnh hưởng bởi phim ảnh có nội dung thiếu lành mạnh trên một số trang mạng… đã dẫn đến những biểu hiện “lệch chuẩn” trong đạo đức, lối sống, hành vi.
Gia đình và xã hội sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn giới trẻ nhận biết được đúng, sai; từ đó có điều chỉnh nhận thức và hành động một cách đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể chưa thật sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc giáo dục, dìu dắt, chỉ bảo đối với thanh, thiếu niên.
Phụ huynh nên quan tâm hơn nữa tới con cái, uốn nắn con từ phát ngôn, cách ứng xử đến định hướng chúng có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều trường học chỉ chú trọng phần học “văn” mà bỏ qua phần “lễ”, coi trọng giáo dục kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Vẫn còn nhiều tổ chức đoàn thể hoạt động theo phong trào, bề nổi lấy thành tích, chưa tạo ra những hoạt động thực tiễn, theo chiều sâu có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các em tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, chưa định hướng lý tưởng trong các hoạt động văn hóa, xã hội cho các em.
Truyền thông cũng cần làm tốt nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu; báo chí không chỉ mô tả, phản ánh các vụ việc, hành vi văn hóa, mà phải phân tích thấu đáo, từ đó đưa ra khuyến nghị về phong cách ứng xử.
Tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên cần nêu cao hơn nữa vai trò giáo dục thanh, thiếu niên, hướng họ vào lối sống tích cực, lành mạnh, vì cộng đồng, chấp hành pháp luật. Bản thân mỗi thanh, thiếu niên cũng phải tự ý thức và rèn luyện kỹ năng sống tốt, lành mạnh.
Bên cạnh học văn hóa, cần trau dồi kiến thức ứng xử giao tiếp, lối sống, đạo đức của riêng mình và cần biết sàng lọc những giá trị tốt đẹp trong quá trình tiếp nhận từ sách báo, phim ảnh, internet để hướng đến lối sống lành mạnh, tích cực, đúng “chuẩn”.