Trước đó, Chương trình Cây gậy trắng trao gậy cho 110 người mù trên địa bàn TP Hà Nội, 149 người tại Bắc Ninh, và 180 người tại Ninh Bình.
Hiện hơn 16.000 người mù đã đăng ký sở hữu và sử dụng cây gậy trắng với Bộ KH&ĐT, cụ thể là Hà Tĩnh đăng ký 736, Nghệ An 782, Quảng Nam đăng ký 237, Đà Nẵng 256, Sơn La 110, Cần Thơ 709...
Đại diện Bộ KH&ĐT phát biểu tại chương trình |
Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam được Bộ KH&ĐT thực hiện trong dài hạn với kế hoạch chi tiết và minh bạch, nhằm tạo tác động xã hội, nâng cao nhận thức xã hội đối với khoảng 3 triệu người mù trên cảt nước, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của xã hội với những người khuyết tật, những người yếu thế, để không có ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, cây gậy trắng là người bạn đồng hành, thân thiết của người mù, giúp người mù di chuyển an toàn, chủ động và tự tin hơn.
Đại diện cho Hội Người mù Hà Nội, ông Lê Trung Quyết đã bày tỏ sự biết ơn về sự quan tâm của Bộ KH&ĐT, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với những người khiếm thị nói chung và người khiếm thị ở Hà Nội nói riêng.
“Sáng kiến trao tặng cây gậy trắng của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là tặng người mù công cụ, một người bạn vô cùng thân thiết để người mù có thể di chuyển thuận tiện và thuận lợi hơn trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày..”, ông Quyết nói và chia sẻ thêm, bản thân ông và những người mù rất phấn khởi và vui mừng trước sự quan tâm này của Bộ trưởng, giúp người mù tự tin hơn trong hành trình hòa nhập với xã hội.
Hướng dần người mù sử dụng gậy |
Bà Nguyễn Lan Hương chủ Doanh nghiệp xã hội kết nối người khiếm thị cho biết, cây gậy trắng là người bạn đồng hành, thân thiết của người mù, giúp người mù di chuyển an toàn, chủ động và tự tin hơn.
“Ở Việt Nam có một số nguyên nhân dẫn tới việc người mù ở Việt Nam chưa tiếp cận được với cây gậy trắng. Đầu tiên là chưa có gậy, tiếp đến là chưa được tập huấn sử dụng để phát huy đúng chức năng của cây gậy, nhiều người e ngại khi sử dụng gậy. Vì thế việc Bộ KHĐT đứng ra tổ chức chương trình này rất có ý nghĩa, hy vọng người khiếm thị sẽ tự tin hơn, dùng cây gậy trắng để áp dụng hiệu quả vào cuộc sống…”, bà Hương nói.
Tại sự kiện, chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, anh Nguyễn Trung Thái, giáo viên tin học của Hội Người mù TP Hà Nội cũng đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời chính mình thay đổi như thế nào khi có cây gậy trắng.
Niềm vui của người mù khi nhận được sự quan tâm của Bộ KH&ĐT |
Tại mỗi nơi trao nhận, bản cam kết được Lãnh đạo cộng đồng người mù các địa phương điểm chỉ và trao lại cho Bộ KHĐT để thể hiện cam kết của Hội người mù mỗi địa phương.
Bản cam kết để mỗi hội người mù đăng ký nhận gậy cho hội viên có cam kết về trách nhiệm đào tạo và đảm bảo sử dụng gậy hàng ngày. Bốn nội dung trong Bản cam kết bao gồm: (i) Trao đúng người; (ii) Hướng dẫn sử dụng gậy an toàn và văn minh; (iii) Bảo đảm người được nhận sử dụng; (iv) Phối hợp với Bộ KHĐT đánh giá hiệu quả sử dụng gậy.
Trong khuôn khổ Chương trình trao tặng cây gậy trắng cũng diễn ra hoạt động tập huấn, hướng dẫn sử dụng gậy cho người mù một cách hiệu quả và thuận tiện do chính người mù (em Hùng mù) hướng dẫn và thầy Triệu thuộc Trung tâm đào tạo chức năng cho người mù.
Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” do Bộ KH&ĐT phát động nhằm trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật..., với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu cây gậy trắng cho người mù, khiếm thị tại Việt Nam.
Hành trình cây gậy trắng cho Hội người mù Việt Nam được Bộ KH&ĐT thực hiện từ năm 2019 sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới, kêu gọi tấm lòng và sự sẻ chia của cộng đồng xã hội đối với khoảng 3 triệu người mù trên cả nước...