Tạo đột phá trên tất cả các lĩnh vực để Thái Bình sớm vươn lên tầm phát triển mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay (9/12), tại Trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ ba nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, thảo luận mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022; đồng thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền nhiều vấn đề quan trọng.
Hình ảnh tại phiên họp.
Hình ảnh tại phiên họp.

Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, Kỳ họp được tiến hành trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài trên toàn cầu và tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Trên địa bàn tỉnh, mặc dù phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Tỉnh ủy, điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể cùng với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa tích cực, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác phòng, chống COVID-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với thực tiễn địa phương; tình hình dịch bệnh ở trong tỉnh được kiểm soát chặt chẽ trong một thời gian dài, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinhtế- xã hội.

Kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, đạt 6,68%, cao hơn bình quân cả nước. Các ngành sản xuất, kinh doanh đã cơ bản thích nghi với trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, nhất là thu hút các dự án FDI, dự án vào Khu kinh tế. Thu ngân sách nội địa đạt kết quả khá, tăng 37,4% so với dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thuộc tốp đầu trong cả nước.

Thông tin về chương trình Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành cho biết, tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình sẽ xem xét, thảo luận, thông qua nhiều nội dung, quan trọng do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình để kịp thời triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và cho cả giai đoạn 2021 - 2025, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Về phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 tỉnh Thái Bình; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2020; tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 và phân bổ dự toán ngân sách tỉnh Thái Bình năm 2022; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương giai đoạn 2022-2025; ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 các cấp ngân sách của chính quyền địa phương...

Đồng thời, để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận về một số cơ chế, chính sách để thực hiện cả giai đoạn 2021 - 2025 như cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp; cơ chế chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đặc biệt, cũng trong kỳ họp này, HĐND tỉnh Thái Bình sẽ xem xét thông qua chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và những đối tượng khác hưởng phụ cấp theo quy định pháp luật chuyên ngành công tác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư trên địa bàn tỉnh Thái Bình; chế độ đãi ngộ đặc thù đối với các nghệ sĩ; nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; huấn luyện viên, vận động viên thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

HĐND tỉnh sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các báo cáo của UBND tỉnh về: kết quả và phương hướng, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021…

Ngoài ra, nhiều báo cáo của các cơ quan đã được gửi đến các vị đại biểu HDND tỉnh để nghiên cứu, kết hợp thảo luận.

Đưa tỉnh Thái Bình sớm vươn lên tầm phát triển mới

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh những kết quả nổi bật của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời khẳng định kết quả đó có được là nhờ sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm cao cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Nhấn mạnh mục tiêu cần vươn tới trong năm 2022 và các năm tiếp theo là hết sức to lớn, nhiệm vụ là hết sức nặng nề, để phấn đấu đưa tỉnh nhà nhanh chóng phát triển trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, bên cạnh việc phải quyết tâm giữ vững các thành quả đã đạt được, tỉnh cần phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 mà HĐND tỉnh sẽ quyết nghị tại kỳ họp này, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển, tạo ra ngày càng nhiều giá trị mới, đột phá trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn để tỉnh nhà sớm vươn lên tầm phát triển mới.

Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", song song với tiến trình thực hiện mọi nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới.

Tiếp tục giữ vững thành quả phát triển đã đạt được trong thời gian qua; nhanh chóng khắc phục các hạn chế còn tồn tại để đạt được kết quả cao hơn, hiệu quả hơn.

Quyết tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp giữ vững điều kiện an toàn và môi trường sản xuất ổn định, thuận lợi. Khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư bằng nhiều biện pháp, phương án mới để thu hút được các dự án có trình độ cao hơn, quy mô lớn hơn vào đầu tư tại tỉnh nhà.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực nhằm tạo chuyển biến căn bản về cải cách hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu năm 2022 của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình tại phiên họp, năm 2021, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 169.712 tỷ đồng, tăng 9,77%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định và đạt kết quả tích cực.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Đến nay đã có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao. Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 112.269 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50.182,93 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.114,8 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 16.689,8 tỷ đồng; trong đó thu nội địa ước thực hiện 9.357,4 tỷ đồng, tăng 20,7%.

10 tháng đầu năm, Thái Bình đã thu hút được 6 dự án FDI đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế với gần 500 triệu USD (cao hơn tổng số vốn FDI cả giai đoạn 2016 - 2020) và một số dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp An Ninh (huyện Tiền Hải) với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Đọc thêm