Thênh thang phố

(PLVN) - Sống làm gì nữa khi bao quanh chỉ toàn những cực hình. Đầu óc Hân chìm trong mông lung ảo mờ. Lúc nào cũng chỉ nghe thấy sự xúi giục từ phía thùy não, vốn đã trở nên xơ cứng, u tối. Mắt cô lòe nhòe nhìn ra vô định.

Phía kia là mặt hồ lờ nhờ sương cuối chiều. Cô chỉ cần nhảy xuống đó là làm xong việc mà tâm trí xúi giục. Từ chỗ ngồi này ra mặt hồ chỉ hai mươi bước chân chứ mấy. Nhưng ngộ nhỡ ai đó nhìn thấy, nhảy xuống cứu thì coi như… hỏng. Cô tự nhủ phải chờ thêm. Mắt cô lia sang trái, bắt gặp một người đàn ông đang tỉ mỉ vẽ tranh. Hân dụi mắt để nhìn cho rõ hơn. Bức tranh có màu vàng chủ đạo. Chưa bao giờ cô thấy một bức tranh mà màu vàng lại óng ánh đến thế. Người đàn ông hình như bị cụt một bàn tay. Cô cố nhìn kỹ và tự khẳng định với mình. Một họa sĩ cụt tay vẽ rong. Cô bỗng quên việc chính. Bên tay cụt của ông họa sĩ thu hút ánh nhìn của Hân. Một điều gì đó níu cô tiến lại gần. Bây giờ bức tranh không còn vàng chóe như lúc ngồi nhìn xa, mặt tranh trầm hơn. Cô biết, ông đang vẽ một vườn trăng. Ánh trăng tràn lên, nhuộm cả khu vườn, làm nó trở nên đặc một màu hy vọng. Dường như đoán được tâm trạng của cô gái, ông họa sĩ quay sang: “Có tâm sự gì sao, cô gái?”. “Bác vẽ đẹp quá”. Hân không trả lời ông, mà nhấn vào bức tranh. Ông họa sĩ cũng không đòi cô gái lạ phải trả lời. “Bác sẽ bằng sự hồ hởi và tình yêu với thiên nhiên”.

Bức vẽ níu Hân ngồi xuống. Cô cảm giác có một sự quen thuộc bao quanh mình. Cô muốn ngắm thật lâu cái màu vàng trải đều trên khu vườn. Ông họa sĩ vẽ thêm vài nét cọ lên những đóa hoa xinh tạo điểm nhấn, bên góc trái, phía dưới tranh. Hân nghĩ đến câu ông họa sĩ vừa nói: “Bác sẽ bằng sự hồ hởi và tình yêu với thiên nhiên”. Hồ hởi và tình yêu. Hai thứ cô đang thiếu. Hai thứ tuyệt vời đó đã bỏ cô đi. Bây giờ, cô chìm trong mớ suy nghĩ dại dột. Đột nhiên, ông họa sĩ nói như thể đang đi guốc trong bụng Hân. “Chẳng có nỗi ưu tư nào là không xóa bỏ được. Cô gái ạ”.

Mấy ngày qua, ông đều vẽ ở khu vực này. Ông đã thấy Hân ngồi ở vị trí cái ghế đó, dáng vẻ sầu não, bất động. Trời chìm dần vào bóng tối nhập nhoạng. Ông phải ra về. Hân giúp ông chằng vài thứ vào chiếc xe đạp cà tàng. Trước khi dắt xe, ông nhắc Hân: “Bác sẵn sàng nghe cháu tâm sự. Bác thường vẽ ở đây”.

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)

Hôm nay, Hân đưa xe vào tầng hầm rồi mới đi bộ qua đây. Giờ cô sẽ đi bộ về. Ngoài kia, dòng xe cộ ùn ùn, không khí như bị vón cục lại. Từ công viên đi bộ về nhà, cô cứ vẩn vơ nghĩ về ông họa sĩ. Đôi mắt ông đầy vẻ lạc quan. Hôm nay là lần thứ ba cô bị cản lại không làm liều. Hai hôm trước, trên đường đi làm về, Hân rẽ vào, ngồi ở chiếc ghế đó, như dành sẵn cho cô, hôm thì cô thấy người mẹ bế đứa con bé bỏng đáng yêu, hôm thì là một đôi trai gái nắm tay nhau tung tăng. Những hình ảnh ấy bỗng chốc làm tâm trí cô xao động. Cô nán lại để nghĩ. Và đau. Cô chẳng có gì ngoài một mầm sống trong bụng. Cô thoa tay lên đó, rồi thất thểu ngồi lên xe, nổ máy. Một tối thì ăn gói mỳ tôm sống, một tối lót dạ củ khoai mua dưới chân tòa nhà.

Cô lại nghĩ, hay là ra ban công, chỉ một cú nhảy thôi, mọi sự sẽ kết thúc. Chẳng ai có thể cản. Người ta vẫn thường làm cách đấy thôi, việc gì phải ra công viên, nhảy hồ để rồi biết bao chuyện đập vào mắt. Hân không tắm, cô thả người xuống tấm đệm, nước mắt ứa trào, thiếp đi lúc nào không biết.

***

Kẻ gây ra nỗi đau cho Hân là Phùng. Cái mầm sống đang lớn dần lên trong bụng cô cũng của Phùng. Suốt thời gian qua, cô dám đương đầu với một áp lực, đó là không vâng lời cha mẹ với một đám mai mối ở quê, chỉ để dành tình yêu cho Phùng. Phùng hay thủ thỉ vào tai cô những lời có cánh. Phùng là tất cả những gì cô có. Những lần Phùng đón cô bằng xe hơi, đưa cô la cà quán xá, nhậu nhẹt, cà phê, rồi cả vài điểm du lịch lãng mạn làm đầy cảm xúc cho cô. Nó khiến cô choáng ngợp trong một tình yêu cảm giác không gì tuyệt hơn. Hân có nhan sắc và khả năng, nên không quá khó để sau khi ra trường, cô xin được vào làm việc ở một công ty luật. Ở đó đa phần là người trẻ. Những chàng trai săn đón cô không ít. Nhưng cô yêu Phùng và tin gã sẽ đưa cô về ra mắt cha mẹ, rồi xin phép làm đám cưới.

Một ngày Phùng lộ nguyên hình là kẻ bắt cá ba, bốn tay. Hân chỉ là một thứ trò chơi trong bộ sưu tầm của Phùng. Chiếc ô tô Phùng vẫn đưa đón các cô gái được gã mua bằng tiền vay mượn và lừa gạt vài chị nạ dòng. Hình ảnh về Phùng sụp đổ. Tương lai mà người trai đó vẽ ra cho cô chỉ là miếng bánh vẽ mà một kẻ bẻm mép nghĩ ra cũng vỡ tan. Khi vừa nhận ra bộ mặt thật của gã thì Hân biết mình dính bầu. Trời ơi, phải làm sao bây giờ? Cha mẹ sẽ ra sao khi biết con gái bướng bỉnh, đã chối từ sự mai mối để chạy theo tiếng gọi của tình yêu? Ngày mới bước chân đến giảng đường đại học, cô cũng từng non nớt tin tưởng, yêu một “anh thầy”. Trái tim non nớt của cô bị cào xước bởi một người mà cô tin tưởng. Cú vấp ngã đầu đời cho cô hiểu rằng, cuộc sống đô thị chẳng có gì dễ dàng. Những đứa con gái nông thôn ra trọ, học hành dễ vướng vào cạm bẫy, hào nhoáng. Sau cú đau đớn cô đã đề phòng, lúc nào cũng xù ra những cái gai mỗi khi ai đó định tán tỉnh. Thế rồi cô đã bị đốn tim khi Phùng vừa nhẫn nại, vừa khéo nói. Để chinh phục các cô gái, gã đã diễn quá giỏi.

Lúc đầu Hân định đi phá thai, một mình sau khi Phùng giũ bỏ. Nhưng rồi nỗi thất vọng khiến cô chẳng đủ can đảm làm việc đó. Càng nghĩ, cô càng rối. Và rồi, những ý nghĩ tồi tệ cùng nước mắt đã làm mờ nhòe tâm trí cô. Nó xui cô tìm đến cái chết để giải thoát. Đôi khi cô càng cưỡng lại thì từ sâu trong tâm trí, ai đó càng nói to hơn, mạnh hơn, yêu cầu cô tự kết liễu mình.

***

Cô đã chẳng đủ can đảm để làm chuyện đó. Cô nhớ lời ông họa sĩ. Chẳng có nỗi ưu tư nào là không xóa bỏ được. Cuối chiều, Hân lại rẽ vào công viên. Ông họa sĩ đã vẽ một bức tranh khác. Cô không nghĩ nhiều như những hôm trước, mà tiến lại gần ông lão. Hôm nay ông vẽ sông trăng. Một khúc sông cong cong nhuộm đầy trăng, lãng mạn và huyền bí. Ông ngừng vẽ khi Hân ngồi xuống ngắm tranh. Đột nhiên, ông nói: “Cháu hãy nghĩ đến những điều tích cực”. Câu nói như thể ông đang hiểu cặn kẽ gan ruột, khiến cô bất ngờ. Rồi ông tiếp: “Bác nói như thế, là vì nhìn thấy cháu, bác hiểu. Bác cũng từng mất hết hy vọng… nhưng rồi mọi sự đã khác…”.

Ông là thương binh. Một bàn tay ông đã để lại ở chiến trường biên giới phía bắc. Xuất ngũ, về thành phố thân yêu thì ông biết tin tình yêu, niềm hy vọng của mình cũng đã khước từ mình để đi theo ngã rẽ khác. Mọi thứ xung quanh chao đảo. Con tim thắt lại. Ông từng chán nản mất hơn một tháng, chìm trong những cơn say, mơ hồ. Rồi một tai nạn nhẹ làm ông bừng tỉnh, ông tự nhủ phải vượt lên nỗi đau. Ở chiến trường không chết, làm sao có thể gục ngã trước chuyện tình duyên. Ông học tập, thành đạt, lấy vợ, sinh con, trở thành họa sĩ có tiếng, giờ sống an nhiên với ba con. Ông vẽ nhiều phong cảnh đẹp, hay chân dung phụ nữ với những nét vẽ đẹp đến xuất thần. Tất cả đều vừa vặn, nhã nhặn, nhưng vẫn gợi những vỉa tầng thanh cao của một người duy mỹ, yêu đời.

Trăng lên sớm trên bầu trời thành phố. Vài cặp đôi đã bắt đầu xúng xính cho một buổi tối thân thương. Ông họa sĩ về rồi, Hân còn ở lại đón ánh trăng huyền lóng lánh. Trăng cũng đang tãi trên mặt hồ. Cô hít một hơi dài, đứng lên để về. Cô sẽ tắm nước nóng rồi xuống ăn tạm cái gì đó. Ngày thứ ba gặp ông họa sĩ, gương mặt phúc hậu, giọng nói nhu mì thì Hân không còn muốn làm chuyện dại dột nữa. Cuộc sống đáng quý biết bao. Làm sao có thể tự mình tước lấy. Từng lời ông thấm thía. Nhưng Hân sẽ phải đối mặt cuộc sống hiện tại ra sao, còn mầm sống đang lớn lên trong cô nữa…

Cũng là gợi ý của ông họa sĩ. Ông khuyên cô hãy về nương tựa gia đình, hoặc ít nhất là cầu mong sự giúp đỡ của họ, cùng anh chị em, bè bạn. Thành phố đông đúc, nhiều cạm bẫy, song trong lòng phố vẫn còn những thiết tha, nhân hậu.

Thai nhi chẳng có tội gì, bác nhỉ!? Cô thưa với ông họa sĩ, cũng là nói với mình. Cô sẽ sinh con, chăm sóc và dựa vào con. Cuộc sống này đã có nhiều người phụ nữ dám nuôi con một mình đấy thôi. Trong một lần vui, Hân hỏi, có bao giờ bác vẽ cánh tay khiếm khuyết của mình? Hân nhận được câu trả lời đúng như cô đã hình dung. Ông đã vẽ hình ảnh mình trong niềm lạc quan phơi phới, tự tin trong từng hơi thở. Ta không yêu bản thân, làm sao có thể yêu thương người khác.

***

Gia đình đã dang rộng vòng tay đón Hân. Hôm cô về quê là một ngày mưa sụt sùi. Cô dốc lòng xin lỗi cha mẹ. Trên vùng tuổi ăn năn, cô đã được tha thứ và vòng tay mẹ đã siết thật chặt cô con gái dại dột. Con sẽ không cô đơn khi sinh con. Lời của người mẹ khiến cô ứa nước mắt. Cô vẫn đi làm, khám định kỳ và tự bồi dưỡng, chăm sóc mình. Gần đến ngày con gái sinh, mẹ sẽ lên, điều đó làm cô vững tâm hơn rất nhiều.

Chiều cuối tuần, cô ngồi xem ông vẽ tranh. Khi trăng bắt đầu lên, đột nhiên một chàng trai xuất hiện. Hai lúm đồng tiền duyên rung rinh. Ông họa sĩ nhìn hai người, cười, giới thiệu đây là con trai. Hân hơi sững một chút, rồi khi định thần lại, tự hỏi hay là ông họa sĩ đã để con trai ông “phục kích” ở đây? Sau hồi giới thiệu sơ qua, ông giục đôi bạn đi về phía quán cà phê, đã lên đèn sáng trưng. Ông bảo: “Cứ ngồi đó chờ chút, rồi ta sẽ vào”. Chàng trai mê vẽ tranh màu nước, đặc biệt cũng mê vẽ cảnh trăng. Ông họa sĩ rút về trước, để lại đôi bạn trẻ say sưa nói về tranh và trăng. Không biết cái duyên của cuộc gặp này đến đâu, nhưng cô thấy chàng trai hiền từ như một bức tranh trăng sóng sánh. Cô chẳng biết điều gì sẽ đến sau cuộc gặp này, chỉ biết cô đã yêu trăng hơn, những mảnh trăng nhỏ bé lung linh ở góc đời. Nhưng cuộc đời lạ lắm, như ông họa sĩ nói, ta chẳng nên hờ hững. Khi yêu, cuộc đời sẽ tặng lại ta những đóa hoa.