Thị trường ô tô bao giờ “thoát đáy”?

(PLVN) -  Có lẽ chưa bao giờ thị trường ô tô rơi vào tình trạng “ế ẩm” như 2-3 tháng vừa qua, khi biện pháp giãn cách xã hội áp dụng ở nhiều tỉnh, thành phố lớn. Sắp đến mùa bán hàng cuối năm không ai đoán định được thị trường như thế nào.

Doanh số bán hàng tháng 8/2021 ghi nhận thấp kỷ lục trong lịch sử thị trường ô tô Việt Nam từ năm 2015 đến nay. (Ảnh minh họa)

Sức mua giảm từng tháng

Chưa có thời điểm nào mà nhiều hãng xe gần như cùng lúc thực hiện các chương trình giảm giá lớn như thời gian vừa qua. Cụ thể, Thaco thông báo giảm đến 580 triệu đồng đối với mẫu xe BMW 740Li 2019 (chỉ còn 4,789 tỷ đồng); Mẫu sedan cao cấp Quoris cũng được đại lý KIA tại Việt Nam công bố giảm đến 500 triệu đồng (còn 2,2 tỉ đồng). Honda CR-V, MG HS 2.0T AWD Trophy... giảm tới 200 triệu đồng; Mazda CX-8, Honda Civic... giảm 120 triệu đồng. Dù vậy, số lượng xe bán ra đều giảm dần theo từng tháng.

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 8/2021 đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm về doanh số và cũng là tháng có doanh số thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

Doanh số các tháng bắt đầu đà giảm từ tháng 4/2021, với mức giảm 3,7% so với tháng 3, mức giảm của tháng 5 là 15%, mức giảm của tháng 6 là 8%, mức giảm của tháng 7 là 32%.

Ngoài các thành viên VAMA, công bố số xe tiêu thụ trong tháng 8 của một số hãng khác cũng cho thấy số lượng sụt giảm mạnh. Ví dụ thương hiệu xe Hàn Quốc Hyundai bán được 2.182 xe, giảm đến 54% so với tháng 7/2021; VinFast công bố tiêu thụ được 2.310 xe, giảm khoảng 40% so với tháng 7.

Tính chung 8 tháng năm 2021 từ VAMA, Hyundai, VinFast đã có 237.678 xe các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong khắp cả nước. Lũy kế 8 tháng của năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 175.400 xe các loại, tăng so với cùng kỳ năm 2020. Hyundai có lượng tiêu thụ tương đương cùng kỳ năm 2020. Dù thế nhưng những gì đang diễn ra trên thị trường ô tô hiện nay cũng khiến những người lạc quan nhất phải quan ngại.

Đại diện VAMA cho biết, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, nhiều nhà máy thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất do thực hiện việc giãn cách xã hội. Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì gặp một trở ngại khác, như số lượng xe tồn kho quá lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng 200 đại lý ô tô là thành viên VAMA đã bị đóng cửa trong suốt thời gian qua.

Cùng với đó là khoảng 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.

Kỳ vọng ở cuối năm?

Theo khảo sát của PLVN, tuy các showroom ở Hà Nội lần lượt mở cửa 3-4 ngày gần đây nhưng đa phần lượng khách đến ở thời điểm này “chỉ sử dụng các dịch vụ như sửa chữa, bảo hành xe”. Rất ít người (thậm chí là không có ai) có nhu cầu tìm hiểu mua xe vào thời điểm này.

Một nguyên nhân khác được cho là khó có thể phục hồi được thị trường ô tô vào thời điểm này là do nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất đang xảy ra, dẫn đến tình trạng thiếu linh kiện sản xuất. Hãng xe buộc phải cắt giảm sản lượng và người mua xe sẽ phải chờ đợi lâu mới có thể nhận được xe, dù đã đặt mua ô tô từ trước. Sản xuất trong nước của Công ty Honda trong tháng 8, 9/2021 được thông báo giảm khoảng 60% so với kế hoạch trước đó.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - quản lý showroom Huyndai Cầu Diễn cho rằng, việc không ai tìm hiểu mua xe vào thời điểm này là điều bình thường bởi sau khoảng thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tháng giãn cách xã hội gần đây, hầu như tất cả mọi người đều đã “cạn nguồn”. Chỉ có thể trông chờ vào các biện pháp kích cầu (giảm giá, tặng quà…) từ các hãng cộng thêm chính sách hợp lý của Nhà nước mới có thể mong đẩy được tình hình tiêu thụ ô tô trong những tháng cuối năm này.

Được biết, UBND các tỉnh Quảng Nam (nơi Thaco đặt đại bản doanh) và UBND tỉnh Ninh Bình (nơi đặt nhà máy ô tô Hyundai Thành Công - TC Motor) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Trong đó, đề xuất tái áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ để khuyến khích người tiêu dùng.

Đây cũng là mong muốn của đại diện một số hãng xe ô tô hiện đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Hầu hết đều cho rằng, cần có biện pháp thật sự hợp lý và mạnh mẽ để “đánh thức” thị trường ô tô hiện nay và kịp đón mùa mua sắm cuối năm 2021.

Hàng trăm đại lý bán hàng phải đóng cửa

VAMA cho hay, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đến nay, có nhiều nhà máy thành viên VAMA đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì gặp một trở ngại như số lượng xe tồn kho lớn. Trong khi 200 đại lý ô tô thành viên VAMA đã phải đóng cửa. Cùng với đó, khoảng 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch Covid-19.