Thừa Thiên Huế được phép mở cửa trở lại nhiều hoạt động

(PLVN) - Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra thông báo điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch và cho phép nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn được mở cửa và điều chỉnh công suất hoạt động.
Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được phép hoạt động trở lại sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, kể từ 0h ngày 11/2, cho phép hoạt động có điều kiện và không vượt quá 50% công suất, đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch đối với các loại hình, bao gồm cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cafe, pub beer, internet, trò chơi điện tử, karaoke; cơ sở xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ/spa; tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng; bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, areobic, khiêu vũ, bida…).

Hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề thực hiện theo hình thức trực tiếp; đối với những địa bàn có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao hoặc các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề xuất hiện F0 thì xem xét các yếu tố dịch tễ để tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ cho phép mở cửa hoạt động nhưng không vượt quá 50% công suất và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID -19

Các cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, homestay (gọi chung là cơ sở lưu trú) được phép hoạt động và phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, vũ trường.

Tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch chiều 10/2, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, mặc dù số ca nhiễm có tăng trong dịp Tết nhưng cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Thừa Thiên Huế vẫn giữ được mức độ ổn định, an toàn so với các địa phương trong cả nước. Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian đến vẫn diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng phòng chống dịch phù hợp với từng diễn biến cụ thể trên địa bàn; chủ động trong việc tầm soát, cho học sinh đến trường; chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đọc thêm