Thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã

(PLVN) - “Hiện luật không thiếu, thậm chí chúng ta đã đưa vào luật hình sự hình phạt, từ phạt tiền cho đến phạt tù đối với hành vi buôn bán, giết mổ động vật hoang dã… nhưng những quy định này chưa đủ để làm người ta sợ hãi”.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng.

Đó là quan điểm của ĐBQH Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - về tình trạng săn bắt, giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã khá phổ biến ở nước ta hiện nay. 

Tình trạng săn bắt, giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã hiện nay ở nước ta rất phổ biến. Ông có thể lý giải vì sao có tình trạng này? 

ĐB Trương Minh Hoàng: Tình trạng này xảy ra không riêng gì ở Việt Nam. Nguyên nhân là do cách sống từ hồi xa xưa để lại. Hơn nữa theo quy luật có cung ắt có cầu. Có người do đi gặp bạn bè có nhu cầu đãi món ngon vật lạ… Cũng có thể từ truyền miệng cho rằng ăn có một số loại có tác dụng chữa bệnh dẫn đến không chỉ đơn giản là sở thích món khoái khẩu. 

Có trường hợp sử dụng chế phẩm từ động vật hoang dã để khẳng định bản lĩnh nếu đeo một miếng trang sức từ ngà voi, sừng tê giác.

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó không riêng gì Việt Nam, dẫn đến tồn tại những chợ buôn bán động vật hoang dã. Vào hàng ăn bày bán động vật hoang dã. Rồi tình trạng mua bán, giết mổ, săn bắt động vật hoang dã đã và đang diễn ra.

Điều này ảnh hưởng như thế nào đối với hệ sinh thái nói chung và quan trọng hơn là sức khoẻ con người, thưa ông? Bằng chứng là Tổ chức Y tế thế giới đã tổng kết có tới 70% các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. 

ĐB Trương Minh Hoàng: Mất cân bằng hệ sinh thái là điều đương nhiên, trong đó, có nguyên nhân từ săn bắt, giết mổ và ăn thịt… Ngoài ra, mất cân bằng sinh thái hệ động vật còn do nạn chặt phá rừng các loài động vật hoang dã bị thiếu ăn, thiếu chỗ cư trú...

Theo tôi, nguyên nhân khách quan có, chủ quan có… nhưng trong đó phải nhấn mạnh có bàn tay của con người. 

Bản thân tôi không phải là nhà khoa học nhưng theo tôi mình cần tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học quốc tế. WHO là một tổ chức tin cậy – họ đã có những nghiên cứu làm căn cứ để đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo. 

Tôi có đọc thông tin thì thấy rằng các bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân rất lớn từ động vật hoang dã do tiếp xúc và ăn thịt cùng nguyên nhân khác tạo ra mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Vậy theo ông làm thế nào để giảm tình trạng săn bắt, giết mổ và ăn thịt động vật hoang dã? Có cần thiết phải cấm triệt để việc buôn bán, giết mổ động vật hoang dã giống như một số nước đã thực hiện hay không?

ĐB Trương Minh Hoàng: Hiện luật không thiếu, thậm chí chúng ta đã đưa vào luật hình sự từ phạt tiền cho đến phạt tù đối với hành vi buôn bán, giết mổ động vật hoang dã… nhưng những quy định này chưa đủ để làm người ta sợ hãi. 

Theo tôi để giảm tình trạng săn bắt, giết mổ và ăn thịt động vật hoang dã, các nhà khoa học cần có thêm những bằng chứng rõ ràng, công khai trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại khi ăn thịt động vật hoang dã.  Có như vậy thì theo tôi hiệu quả hơn rất nhiều, từ đó người dân có ý thức, giảm thiểu hành động săn bắt, tiếp xúc, ăn thịt... 

Ngoài ra, cũng không nên tuyệt đối hoá cho rằng tất cả động vật hoang dã là nguy hiểm, mang mầm bệnh cần diệt đi là không nên. Do đó, cần tuyên truyền làm sao mặc dù nó mang mầm bệnh nhưng không tiếp xúc, không ăn thịt thì không nhiễm bệnh. Đấy là cách để chúng ta vừa bảo vệ các loài động vật này nhằm đảm bảo cân bằng hệ sinh thái cũng như vừa giúp con người sống ôn hoà giữa thiên nhiên.

Việc cấm tuyệt đối buôn bán giống như một số nước như cách đặt vấn đề của bạn theo tôi trước mắt chúng ta cần thực hiện nghiêm túc những gì luật đã quy định. Bởi vì chúng ta cũng đã có những loài được quy định trong sách đỏ rồi. Từ đó, đưa ra chủ trương hợp lý, hợp thức. 

Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2018, từ năm 2015 – 2017 (tính từ ngày 1/10/2015 đến hết tháng 9/2017), Tòa đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo có hành vi liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Trong đó, xét xử 207 vụ/303 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6%; trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân 20 vụ/32 bị cáo, còn lại 4 vụ/4 bị cáo đang tiếp tục giải quyết.

Mặc dù vậy, số lượng các vụ án được xét xử của năm sau tăng hơn so với năm trước: năm 2015 đã thụ lý 40 vụ/60 bị cáo, xét xử 36 vụ/56 bị cáo; năm 2016 đã thụ lý 92 vụ/130 bị cáo, xét xử 84 vụ/120 bị cáo (tăng so với năm 2015 là 48 vụ/64 bị cáo); năm 2017 đã thụ lý 99 vụ/149 bị cáo, xét xử 87 vụ/127 bị cáo (tăng so với năm 2016 là 3 vụ/7 bị cáo). Trong giai đoạn trên, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm. 

Đọc thêm