Thực hư ngôi chùa “nhốt trùng” lớn nhất Việt Nam?

(PLVN) - Chùa Hàm Long (Bắc Ninh) được dân gian cho là nơi có khả năng “nhốt trùng” vì ngôi chùa là nơi tu tập của Hòa thượng Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng Lân Giác. Sinh thời, thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ mà nay gọi là “trùng tang”, ngài đã tạo ra kinh “Thập nguyện cứu sinh” và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh…
Ngôi chùa cổ kính dưới chân núi, trong những hàng cây đại thụ mát rượi. (Ảnh minh họa).
Ngôi chùa cổ kính dưới chân núi, trong những hàng cây đại thụ mát rượi. (Ảnh minh họa).

“Nhốt” vong - việc chẳng đặng đừng

Có chiều dài lịch sử lên đến gần nghìn năm tuổi, song chùa Hàm Long lại được người đời biết đến nhiều hơn với cái tên chùa “nhốt vong”, chùa “cắt” vong hay nơi “nhốt” Thần trùng lớn nhất trời Nam. Từ hàng trăm năm nay, người dân vẫn tiếp tục truyền tai nhau nhiều câu chuyện rất huyền bí về ngôi chùa này: “Khi đến gửi vong, người ta chỉ cần mang đến một bức ảnh và những thông tin: tên, tuổi, giờ mất, giờ liệm, giờ chôn cất người quá cố và nhà chùa sẽ ghi lại thông tin đó.

Nhà sư cho lá bùa để gia đình đeo trong 3 năm tránh tai họa. Người đem vong đi gửi, kiêng người cùng huyết thống trực hệ. Khi đi gửi vong thì cứ lẳng lặng mà đi, không được bàn ở nhà trước vì vong rất tinh khôn, biết là đi gửi vong thì vong sẽ không đi theo nữa”... 

Cách Hà Nội khoảng 40km, chùa Hàm Long (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh), nằm trên sườn một quả đồi với những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi. Trái với vẻ rêu phong cổ kính và u tịch, ngôi chùa này thường xuyên tấp nập khách thập phương với những chiếc ôtô biển số ngoại tỉnh.

Không giống như những ngôi chùa khác, khách đến lễ chùa cầu may, vãn cảnh hay tìm kiếm sự thư thái trong cuộc sống. Khách đến chùa Hàm Long nhiều người vẫn đội khăn tang hoặc gắn băng đen, gương mặt rầu rĩ, vừa thắp hương vừa sụt sùi… Họ đến đây để làm một công việc chẳng đặng -  “nhốt” vong. 

Theo các tài liệu lưu tại chùa, danh thắng cổ tự chùa Hàm Long được lập ra năm 1115, vào thời nhà Lý bởi Hòa thượng Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng Lân Giác. Sở dĩ chùa có tên Hàm Long vì có núi Thần Long (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) như một chiếc án thư che chắn cho ngôi nhà phía trước, bao bọc xung quanh là các ngọn núi Phụng Hoàng, Kỳ Lân, núi Rùa.

Những nhà phong thủy xưa cho rằng, chùa Hàm Long nằm ở vị trí phong thủy tốt, tọa lạc ngay trên đất hội tụ Long - Ly - Quy - Phụng. Nơi đây là một đình Phật giáo lớn đất Bắc. Chùa Hàm Long được dân gian cho là nơi có khả năng “nhốt trùng” vì ngôi chùa là nơi tu tập của Hòa thượng Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng Lân Giác.

Sinh thời, thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết liên tục trong gia đình, dòng họ mà nay gọi là “trùng tang”, ngài đã tạo ra kinh “Thập nguyện cứu sinh” và bộ ván in khắc phù giải, giúp cho những vong hồn được siêu linh.

Vì đâu mà người ta lại mang vong đến chùa Hàm Long Bắc Ninh để nhốt? Kỳ thực, việc “nhốt vong” ở đây là dùng kinh kệ hồi hướng cho vong hồn được siêu sinh. Về sau này, có nhiều cao tăng khác đến chùa Hàm Long tu tập, trong số đó có Thiền sư Dương Không Lộ, người nổi tiếng là có khả năng hóa giải các loại trùng hiệu quả. Vì lẽ đó, chùa Hàm Long trở thành ngôi chùa nổi tiếng “nhốt trùng” trên đất Việt.

Chùa Hàm Long Bắc Ninh có những cây cổ thụ cực to và cũng là một trong những trường đào tạo các nhà sư đất Bắc. Đường lên chùa đi qua những bậc đá chen giữa rừng cây thơ mộng. Nổi tiếng nhất là tháp Hàm Long. Chùa Hàm Long có kiến trúc cổ kính, với những ngôi tháp rêu phong và mái chùa phủ màu thời gian, song vết tích của nó lại trái ngược hoàn toàn với cảnh đông đúc của khách thập phương đến lễ chùa.

Hàng ngày, vào buổi sáng, các nhà sư tụng kinh niệm Phật cúng vong rất cẩn thận. Đến buổi chiều, các sư nấu một nồi cháo to, cúng thí thực cho Trùng và vong bị nhốt ở đây. Các gia đình khi có người chết trùng, sẽ đem vong đến gửi tại chùa, nhờ nhà chùa Hàm Long Bắc Ninh cúng cho vong linh người quá cố. Ðến giờ, trong khuôn viên chùa vẫn còn hai ngọn tháp.

Tương truyền, hai ngọn tháp đó cũng đã có tuổi đời gần bằng tuổi chùa, tháp gạch là tháp chứa xá lợi của sư tổ Như Trừng Lân Giác, tháp đá là nơi cất giữ công phu tu tập của sư tổ, còn được gọi là tháp Cứu Sinh - tháp tổ Như Trừng Lân Giác.

Có chuyện vong về bắt người thân?

Chúng tôi đến chùa Hàm Long vào ngày đầu tháng 10 âm lịch, đây là thời điểm chùa khá vắng nhưng cũng phải có 4-5 chiếc ôtô biển số các tỉnh miền Bắc đỗ ở sân chùa, chưa kể những người ở gần đi xe máy hoặc dân địa phương. Hầu hết đều có chung một mục đích là đến chùa gửi vong, cúng vong hoặc chuộc vong về.

Hình minh họa.
 Hình minh họa.

Tôi đi cùng chị bạn lên thắp hương cho mẹ ra đi vì K, gia đình gửi lên chùa mấy tháng trước đó. Vì trong họ nhà chị trong năm cũng đã có một người mất nên được tư vấn gửi mẹ lên đây cho yên tâm, dù quê chị ở tận Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Trùng tang có lẽ là nỗi lo lắng, khiếp sợ nhất của gia đình có người chết. Vì vậy gia đình nào có người mất mà xem thầy phán là trùng tang thì dòng họ ăn không ngon, ngủ không yên, không biết rồi đây tai họa sẽ rơi vào ai. Bởi không biết thực hư của việc trùng tang ra sao, nhưng thực tế, có gia đình ở Hà Tĩnh, bố vừa mất vì bệnh, vài tháng sau người con trai đang khỏe mạnh, vừa làm nhà xong bỗng chết vì tai nạn trên cầu Bến Thủy.

Một thời gian sau đó, đứa cháu đích tôn của dòng họ đang chơi trong sân cũng ngã xuống giếng chết… Quá lo sợ họ hàng sẽ lần lượt bị bắt hết đàn ông, trong họ ngoại đã có một người lặng lẽ đi trong đêm không ai biết, tìm đến chùa Hàm Long để nhờ sư thầy cao tay giúp. Trong thời gian gửi vong (3 năm) thì gia đình không được cúng hay thắp hương gọi người quá cố, vì có hương là có hồn, vong nghe thấy gọi tên mình, và theo về - như vậy việc gửi thất bại.

Chính vì vậy, có trường hợp phải gửi đi gửi lại nhiều lần. Sau 3 năm, khi “sang nhà mới” cho người chết và sau khi xin vong từ chùa về thì gia đình có thể cúng như bình thường.

Hiểu một cách nôm na, gửi vong vào chùa Hàm Long Bắc Ninh giống như đi “tù” trên dương thế. Ba năm phải ở chùa và ăn chay, không được trở về gia đình, cúng lễ không được nhận, chính vì thế vong rất cực khổ. 

 Một bà cụ bán hàng sát cổng chùa Hàm Long dường như đã “thuộc lòng” những chuyện trùng tang. Cụ cho biết: Trùng tang thì có ba loại là trùng nhật, trùng niên và trùng tam sa. Hậu quả nhẹ thì gia đình, con cháu làm ăn trắc trở, nặng thì thần trùng sẽ về bắt con cháu đi theo. Có gia đình bị bắt 1 người, nhưng có gia đình bị bắt đến 9 người trong vòng có 3 năm.

Vì vậy, khi gia đình có người qua đời thì thường đi xem thầy xem người chết có “sạch giờ” không, nếu chết đúng vào giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi) thì phải đi cắt trùng hoặc gửi vong.

 “Nhốt trùng” - hóa giải tâm linh hay mê tín?

Thực tế thì chưa có giải thích khoa học nào về trùng tang và khả năng “nhốt vong” mà đó chỉ là quan niệm dựa trên những đúc kết của dân gian. Lý thuyết thì trùng tang phải là 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết mới được coi là trùng tang. Tuy nhiên, do nỗi lo sợ của người dân nên cứ thấy gia tộc có nhiều người chết trong thời gian ngắn thì họ coi đó là trùng tang.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khoa học, có nhà khoa học cho rằng việc gia đình, dòng họ có nhiều người cùng mất trong một thời gian ngắn là do cơ chế cộng hưởng sóng điện từ và trường năng lượng mang tính chất huyết thống, dòng họ; có người thì cho rằng trùng tang đơn giản chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên.

Dù chưa có giải thích nào được chứng minh rõ ràng theo kiểu “mắt thấy, tai nghe” nhưng rõ ràng trùng tang chỉ là một quan niệm “siêu thực” tồn tại trong tín ngưỡng, thế giới tâm linh của con người. Nó càng trở nên đáng sợ khi con người luôn luôn lo lắng về sinh mạng của mình, bởi “sinh có hẹn, tử bất kỳ”, người ta luôn muốn giải tỏa những lo lắng ấy bằng những niềm tin tâm linh... 

Ngay cả trong Phật giáo cũng chưa có quan niệm về trùng tang. Phật giáo quan niệm sống chết là lẽ thường, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Vì thế, trong Phật giáo không có tài liệu nào nói về việc ngày giờ mất cũng như chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác. 

Thế nhưng, người đến chùa Hàm Long để “gửi vong”, “nhốt vong” vẫn nhiều không kể xiết. Một đồn mười, mười đồn trăm, có lẽ hiếm có ngày nào mà ngôi chùa này vắng vẻ người qua lại. Nhưng có lẽ ngày mà người ta đến chùa đông nhất là ngày rằm, mùng 1 hàng tháng hay ngày lễ Tết, ngày giỗ. Nhiều người cho rằng, sau bao biến cố rồi đưa vong “trùng” lên gửi chùa Hàm Long làm lễ, tụng kinh xong thì gia đình đã được bình an.

Có trường hợp người con dâu được cho là bị ông nội nhà chồng nhập vào, đổi giọng nói, gọi bố chồng bằng con và quát mắng đủ thứ, sau khi đến chùa làm lễ thì đã tỉnh lại và không nhớ gì về sự việc trước đó. Hoặc cũng có người được cho là bị “vong hành”, gia đình phải trói tay chân, chở đến chùa làm lễ thì người này cũng bình thường trở lại. 

Chính bản thân nhà chùa cũng không có lời lý giải cặn kẽ về vấn đề nhốt trùng, chỉ cho rằng có thể do không gian tâm linh, thiết kế bên trong của chùa Hàm Long đủ thanh tịnh, giúp người đi chùa bình tâm lại, tâm lý được cân bằng nên không còn xảy ra những hiện tượng bất thường nữa.

Và cứ thế, ngôi chùa nổi tiếng và được cho là “nhốt” nhiều vong nhất miền Bắc này, nơi những đàn đom đóm lập lòe dập dìu bay lượn kín đặc bầu trời trong buổi chiều chạng vạng, chúng chỉ xuất hiện trước 7h tối hàng ngày vẫn luôn là niềm tin tâm linh và bí ẩn…

Đọc thêm