Thúng mẹt của mẹ

(PLVN) - Giấc mơ của anh em chúng tôi được nuôi dưỡng, lớn lên từ thúng mẹt của mẹ. Đó là cách mà bố tôi thường ví von khi những gánh hàng không quản nắng mưa, ốm đau của mẹ vẫn tất tả ngược xuôi, vất vả bộn bề…

Trong một dịp về thăm nhà, trong câu chuyện hội ngộ, tôi nhẩm tính đến nay mẹ đã kinh qua tất thảy 9 nghề. Thế nên, dường như câu thành ngữ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” không dành cho mẹ tôi. Mà thực ra, những việc mẹ từng làm đâu được gọi là nghề. Nói đúng hơn, đó là sự bươn chải, lặn lội để kiếm sống giữa cái thời buổi củi cám, thiếu trước, hụt sau, một nách cưu mang ba đứa con ăn học.

Thuở ấy, nhà nghèo, bố mẹ tôi lại bám trụ với nghề sông nước nên vô cùng vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Một thời gian dài suốt tuổi thơ của tôi, tôi không thể giải thích nổi tại sao mẹ lại có thể chịu đựng được cái rét tháng mười cắt da, cắt thịt những đêm chài lưới, để mỗi sáng mai mẹ về, da dẻ tím tái, lại bị ngâm nước nhiều nhìn đến là thương.

Rồi mẹ lại theo những người hàng xóm rong ruổi trên những vòng quay của chiếc xe đạp giải phóng tập tành buôn bán. Khi là những bó củi mua với giá rẻ ở thượng nguồn, về xuôi mang bán kiếm lời. Khi là những kiện hàng khô, bỏ mối cho các quán xá. Lúc khác lại là những mặt hàng tiêu dùng… Mẹ làm tất cả những việc có thể làm, miễn sao kiếm được tiền. Và sau mỗi chuyến đi buôn ấy, mẹ lần lượt mang về cho anh em chúng tôi những tấm áo, đôi dép, cái cặp sách. Những đồng tiền ít ỏi được mẹ dành dụm, chắt chiu khéo léo giữa năm tháng tảo tần, anh em chúng tôi cứ thế vô tư lớn lên, được ăn học đến nơi đến chốn, không hề thua kém bạn bè cùng trang lứa có hoàn cảnh khá giả hơn.

Những tưởng khi chúng tôi trưởng thành, mẹ sẽ bớt vất vả hơn, đến lúc dành thời gian nghỉ ngơi bên con cháu. Vậy mà, anh em tôi vẫn chưa làm được. Mặc dù có những cái nghề đúng nghĩa, nhưng với đồng lương công chức hạn chế nên chưa đỡ đần được cho mẹ là bao.

Mẹ bị gãy chân trong một lần tai nạn, phải chống nạng đi trong suốt một thời gian dài. Anh em chúng tôi lập nghiệp xa quê, xót xa lắm nhưng cũng chỉ biết động viên mẹ bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm. Điều đó đồng nghĩa với việc mẹ không thể tiếp tục bươn chải, lo toan cho gia đình nữa. Tôi cũng đã khuyên can không biết bao nhiêu lần, mong mẹ nghỉ ngơi, chữa trị. Vậy mà khi vẫn còn lê những bước tập tễnh, mẹ tôi lại quẩy thúng mẹt ra chợ, bởi chúng tôi hiểu rõ mẹ không muốn phụ thuộc vào con cái và hơn hết là không muốn chúng tôi phải lo lắng, để tập trung cho công việc.

Tôi nhớ, có dạo mẹ gọi điện hào hứng kể về những ngày buôn bán đắt hàng và còn thắc mắc không hiểu sao hôm ấy người ta đi chợ và làm liên hoan nhiều thế. Ôi, khổ thân mẹ tôi! Ngay cả ngày Quốc tế Phụ nữ - ngày của mẹ, mẹ cũng không biết. Ngẫm lại, bây giờ khóe mắt tôi vẫn còn cay. Cái ngày mà người ta ai ai cũng biết đến và chờ đón nhiều thế, mẹ còn chưa quan tâm, huống chi là ngày sinh nhật của mẹ. Có lần tôi hỏi, mẹ chỉ nhớ đại khái tháng… năm… Có lẽ, cái nghiệp truân chuyên đã vận vào đời mẹ tôi. Nghị lực phi thường và đức hy sinh vô bờ bến của mẹ là một biểu tượng đẹp mà chúng tôi tôn thờ và tự hào mãi mãi.

Giấc mơ của anh em chúng tôi đã thành hình, kết trái ngọt từ thúng mẹt của mẹ trên muôn nẻo gian nan. Vậy nên, chúng tôi không phải chờ đến ngày 8/3, 20/10 hay dịp sinh nhật mới nhắc nhớ và biết trân trọng, thương yêu mẹ. Từ trong tâm khảm của những người con với lòng biết ơn vô hạn, với chúng tôi, mẹ chính là lẽ sống và ngày nào cũng là ngày của mẹ…