"Cưa đôi" tất tần tật
Lấy chồng gần 5 năm, trong chuyện tiền nong gia đình, chị Nhung thường nói đùa với bạn bè rằng vợ chồng chị có hai cái nhất. Bí mật lớn nhất của chồng chị Nhung chính là số tiền anh đang có trong tài khoản cá nhân. Cứ mỗi khi nhận được tin nhắn của ngân hàng báo số dư tài khoản, anh đọc xong liền xóa ngay lập tức, đề phòng nhỡ vợ đọc được.
Về phần mình, chị Nhung gọi cái việc đã để mặc cho chồng quyết về chuyện tiền nong sau khi cưới là “sự sai lầm lớn nhất cuộc đời”. Dù rằng bạn bè có người an ủi chị: “Thôi đừng buồn vì cái cảnh chồng về quẳng cho vợ cục lương rồi khoán trắng các khoản chi tiêu, bất kể thiếu, đủ thế nào cũng chẳng sung sướng gì”.
Ở nhà chị Nhung, mọi thứ phải dùng đến tiền đều “cưa đôi” tất tần tật. Khoản cưa đôi nổi tiếng nhất của hai vợ chồng chị Nhung mà mỗi khi nhắc đến bạn bè chị vẫn cười, đó là cưa đôi tiền chữa vô sinh. Hồi đó, để đủ tiền đóng phần của mình, chị Nhung đã phải đi vay mượn bạn bè, rồi hàng tháng lĩnh lương trả dần.
Cũng áp dụng “chiến thuật cưa đôi” như vợ chồng chị Nhung, nhưng xem ra kiểu cách thực hiện của Hương – bà chủ một salon thẩm mỹ ở Hà Nội còn “khắc nghiệt” hơn. Cưới nhau, hết tuần trăng mật, hai vợ chồng Hương đã ngồi lại với nhau để thảo ra một “bản ghi nhớ” dài, bao gồm những nội dung như: chồng lo tiền ăn; vợ lo tiền điện, nước; chồng lo tiền học chính cho con; vợ lo tiền học thêm; mua nhà, mua xe, sắm vật dụng gia đình… vợ chồng chia đôi 50/50. Giỗ chạp, sinh nhật, hiếu hỉ nhà nội, ngoại thì bên nào có bên đó bỏ tiền lo, nhưng vẫn thống nhất nói là của hai vợ chồng…
Ảnh minh hoạ từ Internet |
Chồng Hương làm nghề kinh doanh tự do nên cũng lắm khi thu nhập thất thường, và mỗi lúc như vậy, Hương ứng ra cho chồng vay để đóng góp khoản của mình, sau đó ghi nợ đòi lại. Nhiều người biết chuyện trách Hương “phát xít”, nhưng Hương dẩu môi phản ứng lại: “Hôm trước xuống thăm em đẻ đứa thứ ba, mẹ chồng em nói với họ hàng là em ăn rồi chỉ biết đẻ, còn lại con trai bà một tay lo hết kinh tế. Em tức khí đã nói lại một hồi cho bà hiểu. Đấy, nếu em không áp dụng “chiến thuật 50/50” thì đã mang cái tiếng ăn bám”.
Cái chung đâu còn?
Nếu ai nghĩ rằng chuyện tiền nong trong gia đình trẻ bây giờ vẫn giữ nếp xưa, đó là thu nhập vợ chồng đều do vợ giữ và nắm quyền quyết định chi tiêu thì xin thưa là đã nhầm. Thực tế cho thấy, những đôi kết hôn ít nhất 20 năm thường để vợ quản lý tất cả thu chi trong gia đình, tránh tình trạng vung tay quá trán của các ông chồng. Nhưng những cặp vợ chồng trẻ thế hệ 8X, 9X nhận lương qua thẻ ATM lại thích cách ai giữ tiền của người nấy và thống nhất trong chi tiêu chung.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay rất hài lòng với phương án 3 tài khoản trong nhà. Theo đó, ngoài tài khoản riêng của mỗi người, hai vợ chồng mở một quỹ chung để phục vụ cho các khoản chi tiêu trong gia đình, đóng góp tùy thuộc vào mức thu nhập của mỗi người.
Ngoài những khoản chi tiêu hàng ngày, với những món chi phát sinh bất ngờ, vợ chồng đều bàn bạc và thống nhất với nhau trước khi quyết định xuất quỹ. Lớp người lớn tuổi nghĩ rằng cách làm mang màu sắc kinh tế thị trường sẽ làm mất đi tình cảm vợ chồng, bởi “vợ chồng là chung, con cái là chung, tất cả là chung thì tại sao tiền lại riêng?”, nhưng với lớp trẻ, đa phần họ đều hài lòng với sự sòng phẳng trong đóng góp và chi tiêu này.
Chuyên gia tâm lý nghĩ gì về câu chuyện “cưa đôi” này? Chia sẻ tại tọa đàm về kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng, gia đình có một quỹ, hai quỹ hay bao nhiêu quỹ không quan trọng, ai giữ tiền không quan trọng mà quan trọng là vợ chồng biết cách chi tiêu hợp lý.
Để chi tiêu hợp lý, vợ chồng cần có sự thống nhất về mục tiêu, về kế hoạch chi tiêu và thống nhất để giải quyết các vấn đề phát sinh. Cơ sở để thống nhất chính là sự tin tưởng nhau, là tình nghĩa vợ chồng, là tinh thần trách nhiệm với gia đình, là sự công khai và minh bạch.
Sở dĩ chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai nhấn mạnh đến sự công khai và minh bạch trong chuyện vợ chồng chi tiêu là do có không ít cặp vợ chồng lợi dụng việc có tài khoản riêng đã giấu vợ/chồng mình để làm những việc không chính đáng. Khi chuyện giấu giếm vỡ lở, người còn lại sẽ cảm thấy ấm ức vì không được tôn trọng, rồi sau đó sẽ nảy sinh tâm lý sao anh ta/cô ta làm được mà mình lại không làm được. Và một khi hai vợ chồng cùng nghĩ đến cái riêng thì cái chung là gia đình sẽ chao đảo.