Tín dụng xanh gặp khó vì thiếu khung pháp lý

(PLVN) - Trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (TPX), tín dụng xanh (TDX) cũng mới chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đây là con số rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
BIDV là một trong số các ngân hàng tích cực triển khai tín dụng xanh.

Nhận diện khó khăn

Tại Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển TDX, TPX: Vấn đề cấp bách” diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ cấp TDX của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023 đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ TDX với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Đại diện NHNN cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh, tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017 chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các Bộ, ngành khác, chưa bảo đảm xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực TDX của ngành ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng TDX mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.

“Ngân hàng không thể có chuyên sâu để hiểu đó có phải dự án xanh mà chỉ đánh giá thẩm định, hiệu quả dự án, khách hàng có trả nợ hay không, có rủi ro nào hay không? Cuối cùng là ngân hàng có thu hồi được nợ hay không?…”, bà Tùng thẳng thắn.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, đơn vị tổ chức Hội thảo nhận định: “Nếu thiếu danh mục xanh rõ ràng không thực thi được nhiều câu chuyện chuyển đổi xanh”. Theo ông Tuấn, nhiều DN cho biết về lâu dài họ biết có lợi ích, nhưng trước mắt họ không đủ lực để triển khai trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính Công ty CP Shinec - chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền cho biết, hiện nay, KCN có 3 tuần hoàn chính đáp ứng được đề án kinh tế tuần hoàn liên quan đến nhựa, thiết bị điện tử, thép. Tuy nhiên, đối với các chuyển đổi của hơn 70 DN trong KCN thì những vòng tuần hoàn này chỉ chiếm khoảng 10 DN, còn 60 DN vẫn đang trong quá trình mong muốn chuyển đổi, đáp ứng định hướng quốc gia. “Hiện nay, chúng ta nói đến vấn đề phát triển TDX, TPX nhưng hành lang pháp lý chưa có, với riêng từng ngành cũng chưa có…” - DN phản ảnh.

Cần sớm ban hành danh mục phân loại xanh

“Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn TDX, tăng trưởng xanh, đã có quy định về chuyển đổi xanh. Nhưng hiện nay vẫn chưa có danh mục phân loại xanh, tiêu chí môi trường. Dù đã có chủ trương nhưng tại sao tín dụng với các dự án xanh chỉ 4 - 5% tổng tín dụng, trong khi tiềm năng lớn, mục tiêu cao?” - PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức thì nhận thức DN cũng chưa đầy đủ để tham gia vào chuyển đổi xanh, cùng với đó là sự hấp dẫn của TPX, TDX còn chưa cao.

“Cần thấy rằng, để chuyển đổi xanh cần thay thế thế hệ công nghệ và vô cùng tốn kém, vì vậy cần có lãi suất ưu đãi, phải có công cụ tài chính hấp dẫn mới có người tham gia…” - ông quả quyết. Đồng thời cho rằng chuyển đổi xanh cũng còn là vấn đề tiêu dùng, gây áp lực xanh hoá. Dư nợ tín dụng hiện nay chỉ tập trung nông nghiệp, năng lượng, trong khi còn nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế còn cần chuyển đổi và chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như xây dựng, giao thông hoặc công nghiệp chế biến chế tạo hầu như vẫn chưa tiếp cận. “Cần coi đây là đột phá” - PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành TPX trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng, đến nay danh mục phân loại xanh vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn cho việc thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, cũng như hoạt động TDX, TPX.

“Thời gian qua, NHNN tích cực phối hợp với Bộ TN&MT làm danh mục xanh để trình Thủ tướng Chính phủ. Để xác định 1 dự án có xanh hay không, NHNN mong cơ quan soạn thảo có các ngưỡng chỉ tiêu về môi trường để xác định. Dựa vào đó, ngân hàng xác định có thể cho vay dự án hay không và cần có những đánh giá và xác nhận…” - bà Tùng đề nghị.

“Hiện nay, ước tính cần huy động khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để thực hiện chuyển đổi xanh. Chúng ta đã có tuyên bố chung với các nước trên thế giới về chuyển đổi xanh, các nước cam kết tài trợ 15,5 tỷ USD cho Việt Nam hỗ trợ chuyển đổi. Việt Nam đã có công bố kế hoạch huy động nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh. Vì vậy, ban hành danh mục phân loại xanh là bức thiết…”.

(PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT)

Đọc thêm