Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai tại Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -   Ngày 2/12, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phòng ban tỉnh Bình Định đi kiểm tra những điểm bị ngập lụt, sạt lở, sông, hồ và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Công an huyện Tuy Phước cùng ban ngành, khắc phục thiên tai và hỗ trợ lương thực, thực phẩm.
Công an huyện Tuy Phước cùng ban ngành, khắc phục thiên tai và hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Hoài Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: "Người dân và các cấp chính quyền địa phương đã chủ động trong công tác phòng, chống mưa lũ, như việc di dời dân vùng ngập sâu đến nơi an toàn; Vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và giảm lũ cho hạ du; Ứng dụng công nghệ theo dõi tự động mưa, mực nước phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành;Tổ chức triển khai thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai."

Ông Trần Quang Hoài Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra Hồ Định Bình.

Ông Trần Quang Hoài Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra Hồ Định Bình.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống thiên tai tại Bình Định cũng như các tỉnh khu vực miền Trung cần phải đánh giá toàn diện nguyên nhân các khu vực ngập sâu, thời ngập lũ kéo dài, sản xuất đúng mùa vụ; xây dựng, rà soát quy hoạch phòng chống lũ để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư, kết hợp giao thông,… để bảo đảm an toàn, phát triển bền vững.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định, tính đến 16 giờ ngày 01/12/2021, trên địa bàn đã có 03 người chết, 02 người bị thương, 20 nhà bị sập, hư hỏng (tăng 12 cái) cùng 55 điểm trường bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của ngập lụt và mưa lớn kéo dài.

Ngoài ra, từ vùng biển đến vùng ven biển, đồng bằng, trung du và cuối cùng đến miền núi cũng bị ngập lụt trên diện rộng. Trong đó, có 52 xã/10 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 31.378 nhà dân bị ngập nước, nhiều nhất là huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Tổng thiệt hại đến thời điểm hiện tại ước tính 215 tỷ đồng bao gồm: 75,4 ha ruộng cũng bị sa bồi, thủy phá, 83,2 tấn lúa bị ướt, 408 gia súc bị chết, cuốn trôi; 12.486 con gia cầm bị nước cuốn trôi (tăng 11.236 con); 3.122m kè, 21.501m kênh mương, 8.070m bờ sông, bờ suối bị sạt lở, hư hỏng; 81,86 ha diện tích nuôi tôm, cá bị thiệt hại từ 50% trở lên; 9.599m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, 12.845 m3 đất đá, 09 cống bị hư hỏng.

Qua đây, tỉnh Bình Định cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh Bình Định 200 tỷ đồng và hỗ trợ 2.000 tấn gạo để ổn định dân sinh và khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ (Kể cả đề xuất thiệt hại theo Báo cáo 190/BC-UBND của UBND tỉnh Bình Định ngày 22/11/2021 về Công tác ứng phó mưa lớn, lũ từ ngày 08/11/2021 đến ngày 18/11/2021, tổng thiệt hại khoảng 126.4 tỷ đồng).

Đọc thêm