TP HCM đẩy mạnh việc quản lý, chăm sóc người F0 tại nhà

(PLVN) - Thông tin từ UBND TP HCM cho biết, từ ngày 23/8, Thành phố đã lấy được gần 378.800 mẫu xét nghiệm RT-PCR (bình quân mỗi ngày lấy được 25.200 mẫu). Bình quân mỗi ngày tăng 9.500 mẫu so với trước khi thực hiện tăng cường giãn cách.
TP HCM tăng cường chăm sóc F0 tại nhà.

Thành phố đã và đang tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố. Trong đó, tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm dược các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca F0.

Về công tác xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ từng người dân trong các Tổ dân phố/Tổ nhân dân có mức nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam” và “vùng đỏ”): Tổng số mẫu test nhanh đã thực hiện ở đợt 1 là 2.063.917 mẫu, trong đó có 75.514 người dương tính, chiếm 3,66% số mẫu xét nghiệm. Các đơn vị đang triển khai xét nghiệm đợt 2, đến nay tổng số mẫu test nhanh đã thực hiện là 1.438.300 mẫu, trong đó có 39.063 người dương tính, chiếm 2,7% số mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai mẫu gộp cho tất cả đại diện hộ dân tại các Tổ dân phố/Tổ nhân dân có mức bình thường mới và mức nguy cơ (“vùng xanh”, “vùng cận xanh” và “vùng vàng”).

Trong đợt 1, “vùng xanh” đã lấy mẫu tại 965.292 hộ, đạt 92%; “vùng cận xanh” là 223.695 hộ, đạt 87% và “vùng vàng” là 286.573 hộ, đạt 93%. Các đơn vị đang triển khai xét nghiệm đợt 2 (trong đợt 2 lấy mẫu đối với người đại diện (khác với người đã lấy ở lần 1) và lấy 2 đại diện đối với hộ có 5 người trở lên). Đến nay, “vùng xanh” đã lấy mẫu tại 405.984 hộ, đạt 39%; “vùng cận xanh” là 91.420 hộ, đạt 36% và “vùng vàng” là 154,468 hộ, đạt 50%. Tỷ lệ dương tính “vùng xanh”, “cận xanh” là 0,8%, “vùng vàng” là 1,5%.

Hiện nay, Thành phố tăng cường tập trung đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc người F0 tại nhà, đặc biệt tại các quận, huyện có số ca mắc cao, đảm bảo F0 được tiếp cận y tế sớm nhất, được tư vấn (về y tế lẫn tâm lý) và nhận thuốc kịp thời. Tăng tỷ lệ tiếp cận của người F0 với gói thuốc C (theo chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng).

Đọc thêm