TP HCM nới lỏng nhiều hoạt động sau ngày 30/9

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM họp báo công bố chỉ thị mới, điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn từ ngày 1/10.
Nhiều khu vực tại TP HCM bắt đầu tháo dỡ hàng rào cách ly.
Nhiều khu vực tại TP HCM bắt đầu tháo dỡ hàng rào cách ly.

Tại cuộc họp, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã công bố chỉ thị và cho biết, sau ngày 30/9, TP tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh tại TP và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Lê Hòa Bình, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2. Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại Quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao...

Đến ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế. Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị Bộ trưởng Y tế phối hợp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP, ngày 26/9, TP HCM có công văn khẩn gửi 22 địa phương đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

“Tinh thần không phải ngay sau 30/9 trên toàn địa bàn thành phố tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết. Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại. Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"", ông Bình cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình triển khai Chỉ thị của UBND TP HCM. Ảnh: Văn Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình triển khai Chỉ thị của UBND TP HCM. Ảnh: Văn Minh.

Theo đó, ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine. Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.

Sau ngày 30/9 sẽ không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn phải kiểm soát dịch bệnh.

Ông Bình nhấn mạnh, TP HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở GTVT.

TP HCM cũng cho phép hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ như cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; Xăng, dầu, gas, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, vật liệu; Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

TP HCM tiếp tục tạm dừng các sự kiện: văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động; Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động.

UBND TP HCM yêu cầu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ông Lê Hòa Bình cũng cho biết giai đoạn tới, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất và cho trẻ em (khi có hướng dẫn và vaccine phù hợp).

Về xét nghiệm, khu vực nguy cơ 3 (cam) và 4 (đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh.

Bên cạnh đó, TP HCM xét nghiệm tầm soát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, giám sát có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao. TP khuyến khích doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh định kỳ...

Đọc thêm