Lãnh đạo TP HCM vừa công bố thông tin, địa phương cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ - 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, TP cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ - 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở này cần đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp Giấy đi đường, phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vacxin phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 (2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế).
Ngoài ra, Chủ tịch UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/1 lần; báo cáo UBND TP trước ngày 11/9.
TP cũng triển khai mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền và Chợ Đầu mối Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Thủ Đức trên nguyên tắc đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
UBND TP chỉ đạo tiếp tục kéo dài giấy đi đường của Công an TP đã cấp trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9.
Về công tác quét mã QR, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu - Công an TP HCM cho biết, ngày 8/9 là ngày đầu tiên triển khai quét mã QR trên quy mô rộng toàn TP Trong kế hoạch triển khai 100 điểm chốt quét mã QR, Công an TP đã triển khai được 78 điểm.
Đây là giải pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích như: nhanh chóng trong việc kiểm soát tại các chốt, tránh ùn ứ; hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội.
“Do là ngày đầu triển khai đồng loạt nên việc thao tác còn tồn tại nhiều bất cập. Qua phản ánh từ báo chí và theo dõi, Công an TP đã đưa ra giải pháp cho các đơn vị để khắc phục tình trạng ngày hôm nay”, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay.
Để khắc phục, theo đại diện Công an TP, với các chốt kiểm soát lưu lượng đông sẽ bố trí thêm 2-3 đầu quét để tăng tốc độ xử lý, tránh người dân phải chờ đợi dẫn đến ùn ứ. Công an TP đã hướng dẫn công an các đơn vị phân luồng ô tô và xe máy.
Trung tâm an sinh TP HCM thông tin, trong ngày 8/9, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như rau củ, lương khô, mì, gạo,... từ tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, Tổng Cục quân nhu với trị giá hơn 5,8 tỷ đồng.
Theo Trung tâm, các mặt hàng thực phẩm trên sẽ được phân phối để hỗ trợ cho người nhiễm COVID-19 (F0) tại các đơn vị: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, Công ty Môi trường Đô thị; 20 bếp ăn từ thiện và bổ sung vào 278 túi quà an sinh.
Cùng với đó, các kho của trung tâm đã hoàn thành và bàn giao nhiều túi an sinh với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Trong ngày 8/9, 4.999 túi an sinh cũng được chuyển đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn.
Bên cạnh công tác tiếp nhận và phân phối các nguồn hỗ trợ, cùng ngày, Trung tâm an sinh còn phối hợp Công an TP cấp 19 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân thiện nguyện.