TPHCM thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng

0:00 / 0:00
0:00
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tình hình dịch bệnh tại TP. HCM đang diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh, liên tục ở mức 3 con số. Trước tình hình đó, thành phố đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng  trong đợt cao điểm  để nhanh chóng  kiểm soát dịch COVID-19 .
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TP. HCM sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 01 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ sẽ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu. Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc... Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tùy theo từng đối tượng sẽ có các nguyên tắc riêng. Đối với tất cả trường hợp F1 sau khi được lập danh sách sẽ được chuyển ngay về khu cách ly tạm thời của quận huyện để điều tra dịch tễ. F1 sẽ được làm test nhanh ngay, đồng thời lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định RT- PCR. Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Các mẫu xét nghiệm khẳng định RT- PCR sẽ được chuyển khẩn về phòng xét nghiệm theo sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ hoặc sớm hơn.

Các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 - 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này. Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ đế tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19 lần này, TP sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Việc phân công lực lượng này nhằm đàm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Trước đó, chiều 3/7, Sở Y tế TP. HCM ban hành công văn khần số 4151/SYT-NVY về việc triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-COV-2 trong truy vết, tầm soát trong cộng đồng được gửi đến các Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo đó, song song với việc triển khai xét nghiệm RT-PCR, Sở Y tế TP. HCM đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn thành phố, dự kiến thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, (trung bình 6.000 – 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng thành phố Thủ Đức trung bình từ 18.000 – 24.000 mẫu/ngày) nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch COVID-19.

Như vậy trong thời gian tới, các trường hợp F1 được phát hiện sau khi điều tra dịch tễ, truy vết từ ca F0 sẽ được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh, đồng thời lấy mẫu đơn RT- PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết qua xét nghiệm RT-PCR.

Bên cạnh đó, tại các ổ dịch trên địa bàn, các đối tượng khác như F2, xét nghiệm mở rộng… sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty.... Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR và tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Việc thực hiện xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế TP. HCM để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính từ 18 giờ ngày 3/7 đến 6 giờ ngày 4/7, Thành phố ghi nhận thêm 217 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 4/7 (BN19089 - BN19305). Thành phố đã ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc COVID-19. -

Trong 217 trường hợp nhiễm mới được công bố có 204 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 13 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

HCDC khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện giãn cách và đảm bảo biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế khi được địa phương sắp xếp đến lấy mẫu.

Mỗi người dân cần phát huy tinh thần mỗi người là một chiến sĩ trong cuộc chiến này. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND Thành phố, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Tăng cường kiểm soát, siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu vực trọng yếu như bệnh viện, khu vực sản xuất.

Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

Đọc thêm