Trẻ bất lực, bối rối trong “mê cung” ứng xử

(PLVN) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến các em bỏ nhà đi như: Buồn chuyện gia đình nên tự ý bỏ học, bỏ nhà theo bạn đi chơi; thiếu kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ nên dễ nghe lời xúi giục của bạn bè xấu, tin và nảy sinh tình cảm với người lạ qua mạng xã hội mà không tìm hiểu dẫn đến bị dụ dỗ… 
Vấn đề ứng xử chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số cuộc gọi đến Tổng đài 111.
Vấn đề ứng xử chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số cuộc gọi đến Tổng đài 111.

Cũng có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, muốn giúp đỡ gia đình nên đã bỏ học, trốn nhà đi tìm việc. Hoặc nhiều trẻ sống trong gia đình bố mẹ bất hòa, ly hôn dẫn đến bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng tựu trung tất cả những điều này có thể thấy, mấu chốt của vấn đề là câu chuyện ứng xử của trẻ với gia đình, xã hội và ngược lại ứng xử của gia đình, xã hội với trẻ.

Có thể nói, độ tuổi từ 10-18 là lứa tuổi mà đứa trẻ có những biến động mạnh mẽ về tâm, sinh lý và cũng vì thế mà chúng thường gặp rất nhiều vấn đề với việc ứng xử, hay nói cách khác chúng bất lực, bối rối trong “mê cung” ứng xử.

Tổng kết 15 năm hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, vấn đề ứng xử chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số cuộc gọi tư vấn – 42,2%.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, quan hệ ứng xử đang là tâm điểm của các cuộc gọi trả lời, đặc biệt là các quan hệ ứng xử với bạn bè, với thầy, cô giáo, với cha mẹ. Có nhiều câu hỏi, những mối quan tâm đã được trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau đặt ra như: Làm thế nào để có kỹ năng ứng xử với bạn bè; có tình bạn khác giới không; tình yêu tuổi học trò nên hay không; những hiểu lầm, hờn dỗi, xích mích, xung đột với bạn bè, căng thẳng với cha mẹ… 

Qua các cuộc gọi tới Tổng đài có thể thấy, trẻ em ở mỗi độ tuổi đều có những mối quan tâm khác nhau. Đối với trẻ dưới 11 tuổi thì chủ yếu là quan hệ với bố mẹ, anh chị, nhưng đối với nhóm từ 11-18 tuổi thì những vấn đề về tình yêu, tình bạn khác giới, xung đột với bạn bè, những bất đồng về suy nghĩ, quan niệm cuộc sống… được đề cập nhiều hơn. Sự quan tâm trong quan hệ ứng xử giữa trẻ em nam và trẻ em nữ cũng khác nhau. Trẻ em nữ quan tâm đến các quan hệ ứng xử nhiều hơn em nam. 

Trong số cuộc gọi của trẻ em quan tâm đến quan hệ ứng xử thì mối quan hệ ứng xử trong nhà trường đứng thứ hai trong suy nghĩ các em. Điều này phản ánh phần nào tình trạng lo lắng của xã hội đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, tác phong, kỹ năng sống và quản lý học sinh của ngành Giáo dục hiện nay.

Cũng theo thống kê của Tổng đài 111, mối quan hệ ở gia đình có nhiều ảnh hưởng tác động tâm lý đến trẻ em. Niềm vui, nỗi buồn, lo lắng với cha mẹ, anh chị em, người thân được giãi bày, tâm sự đã phần nào cho thấy quan niệm về cuộc sống, về gia đình đối với các em vô cùng quan trọng. 

“Tuy nhiên, quan hệ giữa cha mẹ, anh chị em trong một số gia đình đang dần biến đổi theo hướng tự do cá nhân, chủ nghĩa vật chất được đề cao. Điều này tác động đến nhóm nhỏ trẻ em là các em lúng túng, mất phương hướng và hoài nghi với cuộc sống, với tương lai” – báo cáo của Tổng đài 111 nhấn mạnh.

Đọc thêm