Tri ân bà Tổ nghề may - Tứ phi Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen

(PLVN) - Hàng năm vào giỗ kỵ của bà Tổ nghề may Nguyễn Thị Sen vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch, dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế Tổ, mở hội thi may áo khéo, thi dệt lụa… Lễ giỗ Tổ nghề may được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước tổ chức trang trọng, thành kính.
Lễ hội Làng Trạch Xá
Lễ hội Làng Trạch Xá

Tứ phi giỏi thêu thùa, may vá

Theo thần tích, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thuê thùa.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo quân binh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Thiên Tử, lấy hiệu là: Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là: Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư- Ninh Bình (đây là Hoàng đế đầu tiên của nước Việt sau gần 1000 năm Bắc thuộc). Nhận dịp Vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây kén chọn hiền tài giúp nước, đến làng Trách Xá - Tổng Hòa Lâm (Ứng Hòa) đã cảm mến và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. 

Về Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là Tứ phi Hoàng hậu. Tại cung vua, bà được giao quản bộ May trang phục Hoàng Triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo nên các loại quần áo của Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi, thứ nào cũng vừa trang trọng và tiện lợi. Đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cắt may cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có. 

Trong bản “Thần tích Đức Thánh Tổ diễn thơ” của Cao Hữu Nghị có đoạn viết: “Anh hùng Vạn Thắng sơn hà/ Nước Đại Cồ Việt, hiệu là triều Đinh/ Cầu hiền tài, giúp triều đình/ Vua đi các ngả tuyển binh tướng tài/ Tình cờ về đất Hà Tây/ Gặp người con gái nơi đây tuyệt vời/ Thật là sắc nước hương trời/ Tuổi xuân phơi phới vui tươi dịu hiền/ Có đôi má núm đồng tiền/ Mắt đen lay láy, tóc huyền thướt tha/ Hàm răng trong ngọc trắng ngà/ Nụ cười như những đóa hoa xuân hồng/ Giỏi cầy cuốc, giỏi cấy trồng/ Vui say lao động trên đồng quê hương/ Dãi dầu một nắng hai sương/ Bông hoa đồng nội, thơm hương mặt trời/ Vua Đinh thấy mặt thấy người/ Lòng yêu mến, vội đón mời về cung/ Nữ nhi sánh với anh hùng/ Gái quê đồng nội – ung dung ngai vàng”.

Nhà vua tin tưởng về tài khéo tay của Nguyễn Thị Sen nên giao cho nàng trông coi việc dạy cung nữ nuôi tằm, dệt vải, may áo quần triều phục cho hoàng cung. Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ phi đã giúp họ phát triển để làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích.

Sống trong cung được 10 năm, Tứ phi Nguyễn Thị Sen chỉ sinh được cho Đinh Tiên Hoàng được một nàng công chúa. Tháng 10 năm Mậu Dần (978), Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, triều đình tôn người con thứ của ông là Đinh Toàn, khi đó mới 6 tuổi lên làm vua, Thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn xưng làm Phó vương. Các đại thần thân cận Đinh Tiên Hoàng sau đó đều bị giết chết.

Đền thờ Tứ Phi Hoàng Hậu Nguyễn Thị Sen - Bà tổ nghề may.
 Đền thờ Tứ Phi Hoàng Hậu Nguyễn Thị Sen - Bà tổ nghề may.

Những xáo trộn triều chính đó khiến Tứ phi Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn bã,  bà dâng sớ lên triều đình xin được từ giã hoàng cung cùng với con gái trở về quê hương sinh sống.

Tại đây, bà đem nghề may truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, khuyến khích họ chăm việc tằm tang, lại dạy cả nghề quay tơ, dệt vải; thế rồi người nọ học người kia, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng.

Mở hội thi may áo

Đến đời Lý, vua Lý Thái Tổ một lần cưỡi thuyền rồng đi du ngoạn, có qua vùng đất Trạch Xá, thấy lụa tơ phơi ven sông, ghé lại xem rất lấy làm thích thú, sau khi về Thăng Long, vua cho quan đại thần về tuyển chọn những người thợ giỏi giang nhất đến kinh đô chăm lo việc dệt vải, may triều phục cho hoàng tộc, cung tần mỹ nữ.

Từ đó nghề may Trạch Xá góp phần vào sự phồn thịnh của các ngành nghề thủ công ở Thăng Long và được lưu truyền đi khắp cả nước. Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp.

Tri ân công đức của Nguyễn Thị Sen, dân làng đã tôn bà là Thánh sư và khi bà mất họ đã lập đền thờ phụng, bốn mùa khói hương. Đền thờ bà tổ nghề nghề may bên đình làng. Ông đọc vanh vách cho tôi nghe những câu thơ khắc ghi trong đền: "Rạng rỡ vầng trăng soi. Sen vàng làng Trạch Xá. Nghĩa cả khắc muôn đời. Ơn sâu ghi vạn thu".

Hàng năm vào giỗ kỵ của bà Tổ nghề may Nguyễn Thị Sen vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch, dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế tổ, mở hội thi may áo khéo, thi dệt lụa… Lễ giỗ Tổ nghề may được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ hội giỗ Tổ lớn nhất  hàng năm với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu, vui chơi dân gian truyền thống được tổ chức tại làng Trạch Xá và Hội An.

Những vần thơ trong đền thờ bà Tổ nghề may: “Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn. Thước, gay đôi chiếc vững lòng son. Phấn hồng tô điểm trời non nước. Kim, chỉ vá may nợ nước non".
Những vần thơ trong đền thờ bà Tổ nghề may: “Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn. Thước, gay đôi chiếc vững lòng son. Phấn hồng tô điểm trời non nước. Kim, chỉ vá may nợ nước non". 

Cũng trong ngày, nhiều tiệm may ở Việt Nam tiến hành lễ giỗ tổ thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế. Lễ vật dâng tổ nghề thường là một cành hoa, con gà, đĩa trầu cau, ly rượu và chén nước.

Theo những bậc cao niên trong làng Trạch Xá, khoảng 30 năm trở về trước, những bí quyết của nghề may áo dài chỉ được truyền dạy cho đàn ông, con trai trong làng, không truyền dạy cho đàn bà, con gái, với lý do là muốn nghề này chỉ lưu truyền trong làng, không để lan ra bên ngoài. Bởi thế, một thời gian dài, làng Trạch Xá được nhiều người biết đến với cái tên là “Làng đàn ông may áo dài”. Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm “giữ nghề” đã thay đổi, do đó, việc truyền dạy nghề may không còn phân biệt là nam giới hay nữ giới.

Làng Trạch Xá có hơn 510 hộ. Hiện nay, số hộ làm nghề may áo dài chiếm tỷ lệ 70%. Với bề dày truyền thống của làng, nhiều người dân Trạch Xá đã chuyển ra trung tâm Hà Nội mở các cửa hàng may đo áo dài. Phần lớn cửa hàng may áo dài trên các tuyến phố ở Hà Nội, như: Lương Văn Can, Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Phố Huế đều do những người thợ may Trạch Xá làm chủ.

Bên cạnh đó, không ít người cũng đã tìm đến các đô thị lớn ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để mở cửa hàng may đo áo dài với nhãn hiệu “Trạch Xá”. Hiện nay, hầu hết những hộ làm nghề may áo dài truyền thống tại làng Trạch Xá đều nhận may gia công theo hợp đồng từ nơi khác chuyển đến,

Năm 2004, làng Trạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Vậy đã ngàn năm qua, nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá vẫn được bảo tồn, phát triển cho dù có lúc bị ngừng trệ vì biến động xã hội. Nghề canh cửi tơ lụa chẳng bao giờ lụi tàn. Nghề may của làng Trạch Xá cũng vậy. Nó tồn tại trong tiềm thức của đời sống dân tộc: "Vạch, kéo bao năm chí chẳng mòn. Thước, gay (công cụ dài 40 phân) đôi chiếc vững lòng son. Phấn hồng tô điểm trời non nước. Kim, chỉ vá may nợ nước non". 

Đọc thêm