Trung tâm điều hành thông minh – “Bộ não số” của tỉnh Hà Nam

(PLVN) - Tháng 3/2020, Hà Nam chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center), được ví như “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh trên mọi lĩnh vực. Sau gần một năm triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, tỉnh Hà Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Các đại biểu ấn nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh Hà Nam.
Các đại biểu ấn nút khai trương Trung tâm điều hành thông minh Hà Nam.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Hà Nam chính thức đi vào hoạt động và được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cũng như xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.

Trung tâm điều hành thông minh có khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực. Chức năng trọng tâm của IOC gồm: Giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và giám sát thông tin trên internet…

Đây chính là thành quả hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn VNPT trên hành trình số hoá, hướng đến nền hành chính công minh bạch và trung tâm điều hành thông minh phục vụ tốt cho người dân. Cơ sở vật chất của trung tâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại, gồm: 9 màn hình 46 inch, hệ thống thiết bị điều khiển màn hình, 5 máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm… 

Ngay khi đưa vào hoạt động, IOC đã giúp lãnh đạo tỉnh Hà Nam có được cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm IOC còn là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác đảm bảo hiệu quả cao. Hơn nữa, Trung tâm IOC còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc tăng tính tương tác 2 chiều khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo hoặc phản ánh cho các cơ quan nhà nước về các sự cố, vấn đề liên quan như: Giao thông, an ninh, hạ tầng kỹ thuật…  Điều này giúp công tác điều hành và xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.

Đến nay, IOC của tỉnh Hà Nam đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về Trung tâm điều hành. Cụ thể, các phần mềm ứng dụng tích hợp online như: y tế, giáo dục, giao thông, cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh, quản lý văn bản và điều hành, giám sát môi trường, camera thông minh tại một số địa điểm trên địa bàn thành phố Phủ Lý, phần mềm cập nhật offline báo cáo kinh tế - xã hội... 

Bên cạnh đó, 100% các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành vào công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày. Đồng thời gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền qua trục liên thông văn bản quốc gia. 4/6 huyện, thị xã, thành phố đã trang bị phòng họp trực tuyến giữa UBND cấp xã với UBND cấp huyện (với tổng số 78 điểm cầu). Các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã cung cấp hơn 91% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên các lĩnh vực, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. 

UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác.
 UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác.

Được biết, sắp tới, UBND thành phố Phủ Lý sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm “phạt nguội” đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bằng camera trên một số tuyến đường. Ngoài ra, trung tâm còn có thể theo dõi một cách trực quan các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội. Với các báo cáo số được các sở, ngành, địa phương của tỉnh cập nhật thường xuyên, hệ thống của trung tâm tập hợp và thống kê số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh bằng đồ thị hóa theo hướng trực quan, sinh động, hỗ trợ cho lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các chính sách phát triển kinh tế - xã hội kịp thời, chính xác. 

Đặc biệt, việc cập nhật thường xuyên số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương trên hệ thống trung tâm còn giúp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương có thể theo dõi sát sao, giải quyết kịp thời những bất cập, vướng mắc xảy ra trong quá trình tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, đáp ứng nhanh nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Đây là một trong những “đột phá” của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng một môi trường sống hiệu quả, chất lượng, an toàn, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Theo đó, trung tâm sẽ là nền tảng, dần hoàn thiện, hướng tới mục tiêu giám sát tất cả hoạt động trên các lĩnh vực quan trọng của tỉnh, nhằm thực hiện tốt việc dự báo, xây dựng giải pháp, chương trình giải quyết những ách tắc, điểm nghẽn, để xây dựng quy hoạch và đề ra giải pháp phát triển đúng, trúng, phù hợp, hiệu quả.

Đọc thêm