Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là phần còn lại của góc phía Đông Nam của Đề lao Trung ương Hà Nội (La Prison Centrale de Ha Noi). Đây là một nhà tù lớn được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là làng nghề chuyên sản xuất đồ gia dụng bằng đất và được nung bởi những chiếc lò quanh năm đỏ lửa, nên làng còn có tên Nôm là Hỏa Lò, nhà tù này cũng được mang tên Hỏa Lò.
Hỏa Lò là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương, xây dựng ngay giữa trung tâm Hà Nội. Tính chất quan trọng của Nhà tù Hỏa Lò thể hiện ngay ở việc thiết kế kiến trúc, các phòng giam và tường bao đặc biệt kiên cố; vật liệu xây dựng là những loại có chất lượng tốt nhất. Các phòng giam, xà lim tại Nhà tù Hỏa Lò tuy khác nhau về diện tích, chức năng giam giữ nhưng đều có điểm chung: chật hẹp, thiếu ánh sáng, ngột ngạt và mất vệ sinh.
Phải sống trong hoàn cảnh bị giam giữ hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức nhiều hoạt động như: học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, họ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để phản đối chế độ giam giữ, đòi quyền lợi của tù chính trị… Vượt lên tất cả, các chiến sĩ đã “biến nhà tù thành trường học cách mạng”, thành nơi rèn luyện lý tưởng, bồi dưỡng ý chí đấu tranh của những người cách mạng.
Hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã thể hiện rõ các nội dung: Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, cũng là nơi rèn luyện ý chí kiên trung, bất khuất của những người cách mạng. Hiện nay, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò còn lưu giữ các đơn nguyên kiến trúc gốc và nhiều hiện vật có giá trị như: máy chém dùng để hành quyết tù nhân, cửa cống ngầm nơi tù nhân tham gia vượt ngục cùng nhiều tài liệu quý.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò, hiện nay, nhiều thanh niên ít nhớ tới các sự kiện lịch sử quan trọng, hoặc nhận thức chưa thật sự đầy đủ về các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trước thực trạng đó, chức năng nhiệm vụ của các di tích, bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kiến thức lịch sử, truyền thống dân tộc, nâng cao nhận thức về lịch sử và sự hiểu biết các giá trị văn hóa, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, từ đó hình thành ở cộng đồng và thế hệ trẻ cách suy nghĩ khoa học, tiếp cận và góp phần giáo dục nhân cách, nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Những câu chuyện về các cuộc đấu tranh anh dũng, cuộc vượt ngục huyền thoại, hay câu chuyện bi tráng trong nhà biệt giam... các cán bộ di tích Hỏa Lò thuộc “nằm lòng”. Ngay cả “chuyện nhỏ” như cây bàng cổ thụ trong nhà tù vốn là “bạn” của những chiến sĩ Cộng sản, khi cành được dùng để làm đũa, quả, lá bàng dùng để chữa bệnh đau bụng cho các chiến sĩ, mọi cán bộ, nhân viên cũng đều thấm nhuần.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, hàng năm, Ban quản lý di tích tổ chức nhiều cuộc triển lãm, chuyên đề ngược dòng thời gian trở về quá khứ oanh liệt của những người có công với đất nước. Tiêu biểu như: triển lãm chuyên đề “Lời tri ân”; trưng bày “Khát vọng tự do”; “Tung cánh giữa màn đêm”...
Ngoài ra, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm giúp du khách, đặc biệt thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử cách mạng như “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Em học làm thuyết minh”.
Mỗi tư liệu, hiện vật được thể hiện trong các trưng bày giúp người dân và du khách hiểu hơn về sự hy sinh lớn lao của những người đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu để trân trọng hơn: độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng xương máu của bao lớp cha anh.