Truyền nhân cuối cùng đóng xe thổ mộ trên đất Bình Dương

(PLO) - Những chiếc xe thổ mộ thi thoảng xuất hiện trong phim tưởng như đã là hình ảnh của một thời quá vãng. Ít ai biết, ở tỉnh Bình Dương hiện giờ vẫn cò một “truyền nhân” của người làm loại xe đặc biệt này. 
Anh Trần Hữu Chinh, người đóng xe thổ mộ hiếm hoi còn lại ở Bình Dương
Kỳ công đục đẽo xe thổ mộ  
Từ cả gần thế kỷ trước, những khi bàn về xe thổ mộ, các học giả đều nhắc đến người có tên Hai Sộp. Ông lão tên thật là Trần Văn Hai, nay đã thác về cát bụi, nhưng vẫn còn đó những chiếc xe ngựa và người con Trần Hữu Chinh theo nghề. 
Anh Võ Trường Chinh (46 tuổi, ngụ ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) thuộc thế hệ thứ ba theo nghề chế tác xe thổ mộ của gia đình. Cậu bé từ năm lên 6 - 7 tuổi đã theo chân cha huấn luyện ngựa, đục ghép xe thổ mộ. 
Rồi anh đam mê lúc nào không biết. Anh là người duy nhất trong năm anh em nối nghiệp tổ tiên. Ba bốn mươi năm trước, đất Thủ Dầu Một nhan nhản xe ngựa. Ngày đó để mua chiếc xe ngựa không phải chuyện dễ, giá mỗi xe quy đổi có giá mấy lượng vàng, nhưng chỉ cần một chiếc xe ngựa là có thể nuôi cả gia đình. 
“Hồi đó mỗi ngày tôi đều thức dậy sớm đánh xe ra bến xe, ga tàu, chợ búa chở hàng rồi lại đưa đón khách. Một ngày đánh hàng chục chuyến xe là chuyện thường”, anh Chinh hồi ức.
Đến những năm 1990, xe máy, xe hơi lấn lướt, xe thổ mộ hết thời. Bóng dáng xe ngựa thưa dần. Nhiều chủ xe bán ngựa, bán xe; hoặc xếp vào góc vườn “nhìn chơi”.
Riêng người cha của anh Chinh là ông Hai Sộp quyết níu giữ nghề. Suốt mấy năm ròng, ông Hai Sộp dẫn ngựa ra đồng gặm cỏ chơi vì không nỡ bỏ nghề, bỏ ngựa. Anh Chinh thấu hiểu sự đam mê của cha.
Chế tác xe thổ mộ nói riêng và các loại xe ngựa nói chung không hẳn quá khó, nhưng cũng không dễ chút nào. Thời trước để đóng xong chiếc xe thổ mộ, người thợ mất mấy tháng trời. 
Không làm nhanh mà cốt ở chất lượng, mỗi ngày chỉ làm vài chi tiết, mấy hôm sau mới đem ra làm tiếp, mục đích nhằm để gỗ co rút, sau khi hoàn thành xe chắc khít. Chiếc xe thổ mộ nếu chế tác kĩ lưỡng, có thể dùng hàng trăm năm. 
Trước kia toàn bộ xe thổ mộ làm bằng gỗ ván hương là loại gỗ có sức bền, độ chịu lực cao. Ngày nay, do khan hiếm gỗ quý, anh Chinh chỉ dùng gỗ ván hương để chế tác hai tay cầm và bộ sườn chính của xe, còn lại dùng gỗ mít thay thế. 
Gỗ phải chọn lọc kĩ lưỡng, không mối mọt, bề mặt phẳng lì. Chọn gỗ mít thay thế bởi loại gỗ này vừa bền, lại nhẹ. Để đóng xe, trước tiên là khâu chọn gỗ. Tiếp đó người thợ “phác thảo bản vẽ” trong đầu, đẽo từng chi tiết nhỏ. Chuẩn bị xong xuôi mới lắp ghép xe, trước tiên tạo bộ sườn, sau đó ráp thứ tự các bộ phận nhỏ. Sau cùng là khâu trang trí, thử nghiệm, đưa ra đường lăn bánh.
Khâu làm lốp được xem là khó nhất. Bánh xe ngựa có đến ba lớp. Trong cùng là gỗ, tiếp đó khung sắt bọc lên, ngoài cùng là lớp cao su để xe di chuyển êm. 
Kĩ thuật “rút căm” (hiểu nôm na rằng khâu gắn chặt lớp cao su vào khung sắt và gỗ) được xem là thử thách. Người thợ dùng lực kéo làm sao cho lớp vỏ cao su gắn vừa chặt và căng vào khung sắt. Nếu tay nghề non, lốp lỏng hoặc kéo không đều sẽ khiến bánh xe gập ghềnh. Làm cả chiếc xe hoàn thiện nhưng nếu lốp không đúng kĩ thuật, xe chạy nhấp nhô coi như bỏ. 
Hay như khâu gắn chốt kết nối các chi tiết, lỗ mộng và thanh chốt phải làm theo hình đuôi cá để khi tác động lực, thanh chốt càng vào sâu thân gỗ càng khít chặt. Lỡ không may chốt lỏng, cỗ xe sẽ phát ra tiếng kẽo kẹt hoặc lung lay như răng ông lão.
“Nghệ nhân” chân đất kiêm diễn viên đánh xe ngựa  
Trong khi phần lớn chủ xe ngựa nối tiếp nhau bỏ nghề, bán ngựa vào lò mổ, gia đình ông Hai Sộp vẫn “sống khoẻ”. Anh Chinh cho hay, cha mình đủ khả năng “nuôi” nghề bởi tìm ra “đường sống” giữa muôn vàn “cửa tử”. 
Xe ngựa hết thời, cứ vào dịp lễ, Tết, ông Hai Sộp lại cơm đùm gạo bới dắt ngựa lên Sài Gòn cho du khách thuê chụp hình. Xe ngựa hiếm nên khách thuê đông nghịt. Mấy cha con thường đứng ở Thảo Cầm Viên, khu du lịch Văn Thánh, Bình Qưới, nhà thờ Đức Bà, vừa kiếm cơm vừa đón Tết trên đường. 
Còn ngày thường, lúc chở hàng xong, ông Hai Sộp lại lân la bắt chuyện làm quen các chủ nhà hàng chuyên phục vụ tiệc cưới đặt vấn đề cung cấp xe ngựa cho thuê. Lúc đầu nhiều người e ngại nhưng dần dần quen mắt, trào lưu rước dâu bằng cỗ xe thổ mộ trở nên phổ biến. Từ đó, gia đình ông Hai Sộp trở thành địa chỉ chuyên cung cấp xe ngựa trong các đám cưới ở Bình Dương, TP. HCM.
Cơ may tạo bước ngoặt đối với gia đình ông Hai Sộp từ khi đạo diễn Trần Vịnh quay bộ phim “Chân trời nơi ấy” tại Cần Thơ. Biết lão nông lọc cọc dắt xe ngựa từ Bình Dương lên Thảo Cầm Viên cho thuê chụp hình, đạo diễn phim đã tìm gặp ông Hai Sộp mời tham gia diễn xuất. Xem qua kịch bản, lão nông đồng ý liền bởi cảnh quay dắt ngựa chỉ kéo dài vài giây. 
Bộ phim sau đó thành công ngoài mong đợi, đặc biệt cảnh xe ngựa gây chú ý mạnh. Tiếp đó, phim “Thời thơ ấu” được khởi quay tại Long Xuyên, ông Hai Sộp cùng chiếc xe thổ mộ của mình lại được mời tham gia vai diễn mới. 
Giới điện ảnh dần biết đến tên tuổi ông Hai Sộp với vai diễn đánh xe ngựa. Nhiều bộ phim khác như “Trường xưa kỉ niệm”, “Giai điệu quê hương”, “Mùi đu đủ xanh”, “Người Bình Xuyên”... đều xuất hiện bóng dáng lão nông Hai Sộp đánh xe ngựa. 
Chính hãng phim của Pháp cũng mời “diễn viên chân đất” Hai Sộp tham gia phim “Người tình”. Trong bộ phim này, ông Hai Sộp tích cực hỗ trợ đoàn làm phim tới chín chiếc xe ngựa các loại. Lão nông nổi tiếng khắp nơi, còn mang xe thổ mộ tham gia các kì lễ hội từ miền Trung như Thừa Thiên Huế, đến miền Nam như Đà Lạt.
Năm 2012, “diễn viên chân đất” Hai Sộp trút hơi thở cuối cùng ngay tại mảnh đất ông sinh ra và lớn lên. Nối tiếp nghề, anh Chinh quyết định từ bỏ tất cả theo nghiệp sản xuất xe ngựa, đánh xe ngựa. Hiện anh Chinh cũng là “diễn viên” tham gia diễn xuất trong các đoàn phim. Anh tiếp tục thủ những vai diễn đánh xe ngựa, dắt ngựa mà trước đây cha mình đảm nhận.
Nỗi buồn truyền nhân
Nối tiếp cả “nghề tay trái” lẫn “nghề tay phải” của cha, anh Chinh nay không chỉ cung cấp xe ngựa, ngựa kéo mà có luôn cả người đánh xe, tổng hợp “ba trong một”, giúp những đoàn làm phim tiết kiệm chi phí, công sức. Ngoài thời gian đóng phim, anh Chinh mở rộng dịch vụ cho thuê xe ngựa rước dâu, cung cấp xe ngựa cho các khu du lịch nên quanh năm “có đồng vô đồng ra” duy trì nghề. 
Những người hoài cổ cũng có thể đến đây đặt xe ngựa. Công nghệ làm xe thổ mộ nay cũng khác xưa chút ít, để tăng độ bền, anh làm sườn xe bằng sắt rồi bọc gỗ bên ngoài. Với những xe ngựa đóng phim nhất thời, chỉ sử dụng gỗ bình thường nhằm giảm chi phí.
Trăn trở lớn nhất của anh Chinh là hết đời mình theo nghề đóng xe thổ mộ, ngày mai có ai còn giữ nghề. Muốn theo nghề cần phải đam mê, tỉ mỉ, cần cù, năng khiếu bẩm sinh; đổi lại là khoản thu nhập không cao. “Giới trẻ bây giờ chẳng ham ngựa nghẽo. Tôi từng đào tạo mấy học trò nhưng lần lượt bỏ nghề. Không biết rồi đây ai sẽ chế tác xe ngựa nữa”, anh nói. 

Đọc thêm