Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

(PLO) -Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS), với các điều luật bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL), điều này đã khẳng định tầm quan trọng của công tác Trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân và những người yếu thế trong xã hội.
Hội nghị liên ngành các cơ quan tố tụng Quảng Nam ký kết trong công tác Trợ giúp pháp lý.
Hội nghị liên ngành các cơ quan tố tụng Quảng Nam ký kết trong công tác Trợ giúp pháp lý.

Một số điểm mới về quyền được TGPL mà Bộ luật TTHS năm 2015 quy định như sau:

1. Quy định tư cách của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự: ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa (Điều 72 Bộ luật TTHS), là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố(Điều 83 Bộ luật TTHS), là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84 Bộ luật TTHS).

2. Quy định trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng: các cơ quan tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền được TGPL:

Trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL Nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản (Điều 71 Bộ luật TTHS).

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho đối tượng Trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số.
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho đối tượng Trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số.

3. Quy định cơ chế bảo đảm quyền được TGPL trong trường hợp chỉ định người bào chữa; Bộ luật tố tụng hình sự cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho Trung tâm TGPL Nhà nước.

Theo đó, đối với người thuộc diện được TGPL là: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì Trung tâm TGPL Nhà nước phải cử người bào chữa cho họ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 76 Bộ luật TTHS).

Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã ghi nhận việc từ chối người bào chữa như sau: trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối (khoản 2, Điều 77).

Những điểm mới, những quy định trên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật và bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được TGPL từ nghĩa vụ thực thi của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và người áp dụng pháp luật./.

Đọc thêm