Hạn chế nguy cơ phải bồi thường trong thi hành án dân sự

(PLO) - Từ ngày 1/7/2018, một vụ việc thi hành án về yêu cầu bồi thường giải quyết tại Tòa án sẽ được điều chỉnh đồng thời bởi Luật THADS và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017. Vì vậy, Thủ trưởng cơ quan THADS cần cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng và theo đúng quy định của pháp luật trước khi ban hành các văn bản để hạn chế thấp nhất nguy cơ phải thực hiện bồi thường nhà nước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC đã quy định các nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về TNBTCNN.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018) thì sẽ có những trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra mặc dù chưa từng được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước (cụ thể là trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện ngay ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN) nhưng vẫn sẽ được thực hiện theo cơ chế bồi thường nhà nước, mà không phải theo cơ chế bảo đảm tài chính. Do đó, một vụ việc thi hành án về yêu cầu bồi thường giải quyết tại Tòa án sẽ được điều chỉnh đồng thời bởi Luật THADS và Luật TNBTCNN năm 2017.

Căn cứ vào những quy định mới này, trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh nhiều trường hợp người yêu cầu bồi thường không yêu cầu giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường mà khởi kiện ra Tòa án ngay sau khi có căn cứ bồi thường và những bản án, quyết định này sẽ được thực thi theo cơ chế bồi thường nhà nước. Bởi thế, nhiều chuyên gia dự báo rằng khối lượng vụ việc thụ lý giải quyết của Tòa án có thể sẽ tăng; tương ứng với đó là công việc giải quyết bồi thường tại các cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ giảm, số vụ việc đề nghị bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án cũng sẽ giảm (vì số bản án, quyết định này sẽ được thực hiện theo cơ chế bồi thường nhà nước). 

Tuy nhiên, đây lại là một thách thức đối với các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, trong đó có các cơ quan THADS. Các cơ quan này sẽ phải đại diện Nhà nước tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn theo khoản 7 Điều 52 Luật TNBTCNN. Cơ hội thương lượng với người yêu cầu bồi thường để giảm bớt thiệt hại, giảm các khoản yêu cầu bồi thường sẽ khó hơn; thủ tục tố tụng tại Tòa án có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Để thống nhất áp dụng pháp luật, trong trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra mặc dù chưa từng được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước, cơ quan THADS cần áp dụng Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành để thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đặc biệt, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ phải thực hiện bồi thường nhà nước, Thủ trưởng cơ quan THADS phải cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng và theo đúng quy định của pháp luật trước khi ban hành các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS theo quy định tại Điều 12 Luật TNBTCNN năm 2017. Vì đây là một trong những căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của mình tại Tòa án và trên thực tế, quá trình xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào chính các văn bản xác định hành vi sai phạm của cơ quan THADS để xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan THADS.

Vụ Nghiệp vụ 3 (Tổng cục THADS) kiến nghị, ngay từ khi có thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn khởi kiện của đương sự, hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự, hành chính, cơ quan THADS phải tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung để tham gia hiệu quả tại Tòa án. Thủ trưởng cơ quan THADS phải chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước theo triệu tập của Tòa án.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục THADS có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục THADS trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước theo triệu tập của Tòa án. Khi được triệu tập tham gia tố tụng trong các vụ án giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước, cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và Tổng cục THADS biết để kịp thời chỉ đạo.

Đọc thêm