Mở rộng phạm vi lập vi bằng

(PLO) - Mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt văn phòng Thừa phát lại là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại đang được đưa ra lấy ý kiến. Đây là quy định mà theo Bộ Tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Tư vấn cho người dân về việc lập vi bằng tại một văn phòng thừa phát lại.
Tư vấn cho người dân về việc lập vi bằng tại một văn phòng thừa phát lại.

Tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/09/2016, các văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được gần 270.000 văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 26.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 36 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 82 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 49 tỷ đồng. Qua thống kê cho thấy, cũng như trong giai đoạn thí điểm, 9 tháng đầu năm, hoạt động lập vi bằng vẫn tiếp tục mang lại hiệu quả cao tại các văn phòng Thừa phát lại, là hoạt động được người dân ủng hộ tích cực nhất chiếm hơn 55% tổng doanh thu. 

Chính vì tầm quan trọng của vi bằng trong đời sống, nên việc quy định cụ thể phạm vi, thẩm quyền, giá trị pháp lý...của vi bằng được cơ quan xây dựng Dự thảo rất đề cao. Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định về thẩm quyền lập vi bằng như quy định hiện hành.

Theo đó, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp pháp luật cấm. Đồng thời, Dự thảo Nghị định bổ sung 1 điều luật riêng để quy định và làm rõ về các trường hợp không được lập vi bằng như: Không được lập vi bằng đối với những việc Thừa phát lại không được làm; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định của Bộ luật Dân sự, trái đạo đức xã hội; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp. 

Về phạm vi lập bằng của Thừa phát lại, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt văn phòng Thừa phát lại so với quy định hiện hành. Bởi, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ giúp Chính phủ tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại một cách bài bản; các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề cũng sẽ được nâng cao nên năng lực, trình độ của Thừa phát lại sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng của Thừa phát lại như trên là phù hợp và cũng nhằm tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các văn phòng, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức cả ở các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chế định Thừa phát lại.

Mặt khác, qua nghiên cứu pháp luật về công chứng cho thấy, chỉ đối với hoạt động công chứng các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản mới bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở (ngay cả với các loại giao dịch về bất động sản thì công chứng viên cũng không bị hạn chế công chứng về di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản). Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại rất đa dạng về sự kiện, hành vi trên thực tế, có những sự kiện diễn ra từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố nơi văn phòng đặt trụ sở là phù hợp.

Dự thảo Nghị định cũng tiếp tục duy trì việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; tuy nhiên, Sở Tư pháp chỉ đăng ký vi bằng về mặt hình thức (căn cứ vào thời hạn gửi vi bằng để vào Sổ đăng ký) nhằm xác nhận việc Thừa phát lại có lập vi bằng trong thực tế để tránh việc “tạo lập” nguồn chứng cứ sau này. Khi đăng ký, Sở Tư pháp không xem xét phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của thừa phát. Nội dung của vi bằng và những vấn đề liên quan khác sẽ do Thừa phát lại chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại.

Tiếp cận với dự thảo Nghị định, nhiều văn phòng Thừa phát lại bày tỏ sự đồng tình cao với việc mở rộng địa bàn Thừa phát lại được lập vi bằng; tuy nhiên, đề nghị mở rộng cả phạm vi công việc Thừa phát lại được làm. Riêng việc tiếp tục duy trì việc đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét kỹ bởi nếu đăng ký chỉ để nhằm xác nhận về mặt hình thức thì sẽ làm phát sinh thêm thủ tục không cần thiết. Mặt khác, nếu bắt buộc đăng ký thì phải quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp, của người đăng ký cũng như thừa phát lại trong trường hợp vi bằng không được công nhận, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của Thừa phát lại.

Đọc thêm