Tác phẩm đơn điệu, nhàm chán
Thời gian trước, du khách và người dân Hà Nội được dịp ngắm vườn tượng ở bên cạnh tháp Bút, vườn hoa Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm. 47 tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại đây. Cái đẹp, cái chưa thẩm mỹ được bày chen chúc nhau khiến du khách cảm thấy hơi rối mắt, giá trị thẩm mỹ bị triệt tiêu, khó hiểu hết chủ đề các tác phẩm gửi gắm.
Tại các công viên như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình có đặt một số tượng điêu khắc nhưng rất hiếm cái nào để lại ấn tượng với người dân và du khách. Các đề tài của tác phẩm điêu khắc hầu hết đều đơn điệu, nhàm chán như: thiếu nữ, chiến sĩ, bông hoa hay mẹ bồng con…
Tại khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng) có loạt tượng 12 con giáp khỏa thân phản cảm gây bức xúc dư luận... Tượng được đặt thành hàng hướng ra phía lối đi gây ấn tượng mạnh. Tất cả các bức tượng này đều được làm bằng đá xanh nguyên khối, ở dạng trần truồng, phô rõ các bộ phận sinh dục.
Tuy là mặt con vật nhưng hình thù tượng lại y như một con người khắc họa rõ nét giới tính nam và nữ. Dưới các bức tượng đều có chú thích rõ loại con giáp. Thoạt nhìn nếu không đọc chú thích rất khó nhận dạng được con giáp gì được khắc họa. Đây là khu du lịch có nhiều trò chơi dành cho các cháu nhỏ như công viên nước, tàu lượn… nên nhiều gia đình cho con cháu lên đây tham qua vui chơi.
Sau khi bị “phơi” trên mặt báo, tượng 12 con giáp được ban quản lý khu du lịch Hòn Dáu mặc bikini che bộ phận “nhạy cảm”. Với sự chữa cháy vụng về này, nhiều người cho rằng càng thêm phản cảm, rất yếu kém về chất lượng nghệ thuật.
Ngoài công viên, khu du lịch đã vậy, tại các không gian lớn ở trụ sở cơ quan, khu đô thị, tòa nhà chung cư thậm chí cổng chào của một số tỉnh cũng chẳng khá khẩm gì. Công thức chung trong trang trí cổng chào ở một số tỉnh thành là sử dụng hình chim Lạc, trống đồng kết hợp với logo của địa phương cùng những huân, huy chương… bị lắp ghép một cách cưỡng ép chưa thể hiện rõ tính biểu tượng, đặc trưng văn hóa vùng miền.
Thiếu quy chuẩn sử dụng, quản lý
Trước tình trạng này, ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã từng thốt lên: “Tôi đã đi nhiều nước và thấy ở họ có những vườn tượng rất đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc. Rõ ràng nhu cầu của người dân mong muốn có những khu vườn tượng như vậy là có thật.
Như ở gần khu nhà tôi, trong tổng thể các nhà cao tầng họ đặt mấy bức tượng thời phục hưng của nước ngoài, người dân tới đây chụp ảnh kỷ niệm rất đông. Tuy nhiên, tôi thấy nó không phù hợp với văn hóa của mình. Trong khi đó, mình thừa khả năng để làm những bức tượng mang đậm nét văn hóa Việt Nam”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tại nhiều khu đô thị mới hiện nay, các chủ đầu tư thường đưa vào khu đô thị của mình những công trình sính mác ngoại, không mấy quan tâm đến các tác phẩm điêu khắc nội, mang văn hóa trong nước.
Chưa hết, các kiến trúc sư còn rầu lòng hơn khi một số tác phẩm nghệ thuật điêu khắc còn bị người dân làm cho nhem nhuốc, luộm thuộm. Kiến trúc sư Tiến Thuận kể tận mắt cảnh người dân giặt áo rồi phơi lên trên tác phẩm điêu khắc hay vứt rác bừa bãi quanh đó khiến chúng nhếch nhác, phản cảm.
Ngoài việc bày các tác phẩm nghệ thuật “được chăng, hay chớ”, điều mà các kiến trúc sư băn khoăn đó chính là nơi… tiêu thụ tác phẩm nghệ thuật này. Nhiều nhà điêu khắc khi thấy các tác phẩm “con cưng” của mình sau một thời gian trưng bày triển lãm đều bị đem... xếp xó.
Tại hội thảo “Sử dụng biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống đương đại”, ông Huỳnh Văn Mười- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đưa ra ý kiến: Hiện tại Việt Nam chưa có những quy định, chuẩn mực về sáng tác, sử dụng và bảo vệ các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa. Về giảng dạy thì một số trường lớp chưa có chương trình nội dung giảng dạy về biểu tượng văn hóa.
Đặc biệt là Luật Di sản văn hóa hiện có nhưng chưa rõ ràng về những chuẩn mực, chưa có tiêu chí khoa học sâu sắc để nhận diện đánh giá, xét xử theo luật pháp những tình huống, con người vi phạm làm tổn hại các di sản được xem là biểu tượng văn hóa của dân tộc.
Sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm là nguyên nhân dễ thấy nhưng thiếu luật pháp chuyên biệt để bảo vệ di sản này là nguyên nhân chủ yếu. Trong khi việc hướng dẫn sử dụng biểu tượng đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, thiết lập chuẩn mực đưa vào giảng dạy, đưa vào luật một cách nghiêm túc trên phạm vi thế giới để sử dụng và bảo vệ biểu tượng văn hóa của chính họ.
Nhằm phục vụ công tác quản lý biểu tượng văn hóa quốc gia được hiệu quả, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt nội dung và giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện đề tài “Phát huy giá trị biểu tượng văn hóa của Việt Nam trong đời sống văn hóa đương đại” nhằm xác định biểu tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam và giá trị của các biểu tượng văn hóa này.
Đồng thời định hướng xã hội trong việc sử dụng biểu tượng văn hóa, điêu khắc công cộng nhằm gìn giữ và phát huy giá trị biểu tượng trang trí truyền thống của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế phục vụ việc xây dựng thương hiệu nhận diện quốc gia.