Ngôi chùa kì lạ
Chùa Dơi, nằm ở tỉnh Sóc Trăng, có nhiều tên khác nhau, nhưng tên chính của chùa là Sêrâytêchô Mahatup. Một tên khác là chùa, Mã Tộc phiên âm của người dân địa phương từ cái tên Mahatup. Nhưng tên thường được gọi nhất vẫn là chùa Dơi, cái tên bình dị, thể hiện đúng với tính chất đặc biệt của ngôi chùa: Mái nhà cho hàng ngàn cho dơi trú ngụ.
Mahatup trong tiếng Khmer có nghĩa là trận kháng cự lớn. Nơi đây từng diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống giai cấp thống trị. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này là đất lành nên xây chùa thờ Phật. Chùa được khởi công vào từ năm 1569 dương lịch, cách đây 440 năm do ông Thạch Út đứng ra xây dựng, là ngôi chùa thờ Phật Thích Ca duy nhất trong cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng.
Chùa Dơi có kiến trúc rất đặc biệt, là một quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư và tín đồ, phòng ở của sư và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Ngôi chính điện có chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây.
Cửa chính quay ra hướng Đông. Phần mái chính điện là một kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau với khoảng cách nhất định. Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.
Trong khuôn viên chùa còn có một hồ nước bằng kè đá rông lớn với rất nhiều cá. Chùa còn có khu thờ “heo năm móng”, mang theo câu chuyện về một tập tục đặc biệt ở địa phương.
Là chùa thờ Phật Thích Ca, nhưng chùa Dơi vẫn mang nặng dấu ấn văn hóa Khmer như các ngôi chùa Khmer khác. Đó đây, họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo. Hình ảnh các tiên nữ Kemnar xinh đẹp chắp tay trước ngực với những động tác múa như của vũ nữ cung đình Apsaravới nụ cười bí ẩn được tạc khắp các hoa văn trong chùa.
Cộng đồng người dân Sóc Trăng bao gồm ba dân tộc chính, là Việt, Hoa và Khmer. Chùa Dơi, chính vì thế là sự hiển hiện nét giao thoa văn hóa của cả ba dân tộc này. Ngôi chùa còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục - văn hoá và các lễ thức cúng kiếng, lễ hội của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.
Có diện tích đến 4ha với cây xanh bao phủ, đặc biệt nhiều cây cổ thụ, ngôi chùa không những khiến du khách thích thú, mà còn chinh phục cả loài dơi. Chẳng ai biết chính xác tự bao giờ, nhưng theo người dân quanh vùng, thì từ ngày chùa được xây dựng, những con dơi đầu tiên đã đến đây trú ngụ. Rồi, như tìm được “đất lành” cho riêng mình, dơi kéo nhau hàng đàn, hàng đàn đến, sinh sôi nảy nở trên những tán cây, ngụ cư trong những mái chùa cong cong, những vòm nhà…
Nhà chùa, vốn là cửa từ bi, chẳng nỡ nào đuổi loài dơi đi. Người dân chung quanh, đặc biệt là người Hoa, vốn quan niệm loài dơi - phát âm đồng nghĩa với chữ Phúc trong tiếng Hán, tượng trưng cho may mắn, tốt lành. Lâu dần, người dân trong vùng đã quen với cảnh dơi sống trong chùa, quen với những đôi cánh đen sải rộng, những tiếng ồn ã, huyên náo mỗi ngày. Họ còn tính ngày, tính tháng, tính mùa vụ dựa trên những thói quen, đặc tính của bầy dơi trong chùa.
Dơi ở chùa Dơi chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng 1 - 1,5 kg và sải cánh rộng đến 1,5 m. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nào vú sữa, măng cụt… nhưng điều lạ là bầy dơi lại không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn. Người ta nói, lũ dơi rất khôn, chúng không nỡ phá phách ngôi nhà của mình đang nương náu.
Mỗi một ngày, lúc hoàng hôn buông xuống là thời điểm đàn dơi đi kiếm ăn xa. Chúng bay thành những vòng tròn đẹp mắt trên mái chùa, phát ra những âm thanh huyên náo. Người dân vùng này bảo, đó là dơi nấn ná, chờ cho Đức Thích Ca chúc lành, rồi mới bay đi.
Năm 2007, chùa Dơi trải qua một trận cháy rất lớn, khiến ngôi chánh điện bị thiêu rụi. Đàn dơi tản mác đi ít nhiều. Những năm sau đám cháy, người dân rầu rĩ trong lòng vì vắng bóng dơi. Rồi chánh điện được dựng lại khang trang, và rồi đàn dơi lại trở về, nhỏ hơn, không nhiều như xưa, nhưng vẫn ồn ã, thân quen.
Tiếng ru của loài dơi
Dơi là một loài vật rất đặc biệt. Vừa là chim, vừa là họ có vú. Trong văn hóa phương Đông hay phương Tây, chúng đều mang nhiều ý nghĩa huyền bí, kì lạ. Nhiều người cho rằng, dơi có tánh linh, có sự thông tuệ riêng của mình. Dơi nơi nào thì không rõ, nhưng dơi quạ ở chùa Dơi quả là như thế. Nhất là khi người ta được chứng kiến dơi mẹ nuôi con, được nghe tiếng ru của loài dơi.
Dơi bắt đầu sinh sản vào đầu tháng năm dương lịch, khi sắp đẻ, một cánh móc lấy nhánh cây, một cánh đỡ lấy con ôm vào lồng ngực như người mẹ ấp con nhỏ. Dơi con được sinh ra sau vài giờ dơi mới bắt đầu mở mắt, lúc đó chúng đã biết đói, bú mẹ như chó con mới lọt lòng.
Đêm đầu tiên dơi con ra đời, dơi mẹ vẫn đi kiếm ăn, con chúng mang theo, ôm ghì sát vào lồng ngực. Người mẹ thương con thế nào, thì dơi mẹ cũng thương con thế ấy. Trước khi đi ăn dơi mẹ cho con bú và lúc trở về chúng đều nhớ đem mồi về cho con.
Đàn dơi ru con trên những tán cây. |
Đầu tháng 6 chính là cao điểm mùa dơi sinh nở. Những ai may mắn đến tham quan chùa vào thời điểm này sẽ được nghe một âm thanh đặc biệt chưa từng nghe thấy, đó là tiếng ru con của dơi mẹ. Thực ra, đó không hẳn là tiếng ru, theo ý nghĩa lời ru con của con người. Dưới những vòm cây xanh mướt, lũ dơi mẹ ôm ấp những con dơi con trong lòng, và cất tiếng kêu chíu chít giục dơi con bú.
Những tiếng kêu gần xa, lớn nhỏ, râm ran đan quyện vào nhau, thành một bản nhạc lạ lùng, vừa sắc nhọn cũng vừa êm ái, vừa du dương cũng vừa dồn dập. Nghe thế nào cũng thành những tiếng ru. Người dân trong vùng bảo, đó là tiếng ru con đặc biệt chỉ loài dơi mới có. Họ tự cho mình là may mắn, bởi là những người hiếm hoi trên cõi đời được nghe lũ dơi ru con mình.
Để trả ơn loài dơi đem lại điềm lành, để bày tỏ sự trân trọng tình mẫu tử của loài dơi quạ ở chùa, cứ đến mùa dơi sinh sản, dân quanh vùng lại đem đến chùa nhiều cây trái, họ treo lên những chạc cây cho dơi mẹ có thể ăn trong đêm, khỏi phải đi kiếm ăn xa…
Đến chùa Dơi, ngoài tiếng ru con ríu rít của loài dơi, khách may mắn còn có thể nghe được tiếng nhạc cất lên từ những dàn nhạc ngũ âm. Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt của Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Ở chùa Dơi không chỉ có dàn ngũ âm cổ đẹp mắt, mà có cả một ban nhạc ngũ âm.
Dàn nhạc khoảng 10 em đều là những chú tiểu trong chùa, ở các lứa tuổi từ 7-13. Các em được gia đình gửi về tu ở chùa Dơi và được chọn học nhạc, chơi đàn. Mỗi em chuyên sâu một nhạc cụ học trong vài năm. Sau đó các em vừa học vừa đi biểu diễn. Em nào có tài năng sẽ được đưa vào ban nhạc chính thức của chùa để trình diễn trong các lễ hội.
Đến chùa vào những ngày có biểu diễn ngũ âm quả là một điều huyền diệu. Âm thanh rì rào của tán lá, âm thanh của loài dơi và âm nhạc của con người hòa quyện nhau trong không gian trầm lắng của chùa cổ Khmer. Đó có lẽ sẽ là khúc hát đẹp đẽ khó lòng quên được đối với mỗi người từng đặt chân đến ngôi chùa kì lạ này.