Vì sao TP Hồ Chí Minh chưa 'mở toang cửa' với quán nhậu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch và các chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, chiều 28/10, một vấn đề dư luận quan tâm là thành phố cho phép thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại quận 7 và Thủ Đức như thế nào?
Từ 28/10, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP HCM chính thức được phục vụ khách tại chỗ trở lại.
Từ 28/10, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP HCM chính thức được phục vụ khách tại chỗ trở lại.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, việc thí điểm bán thức uống có cồn ở Thủ Đức và quận 7 không đồng nghĩa tất cả hàng quán ở 2 địa phương được phục vụ bia, rượu. Tùy theo tình hình thực tế, chính quyền địa phương quyết định nơi nào trong địa bàn mình được kinh doanh dịch vụ này.

Về hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, ông Tú cho biết số lượng người tham dự phải tuân thủ theo Chỉ thị 18. “Các đám cưới tổ chức ngoài trời có quy mô dưới 15 người; trường hợp 90% người tham gia tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 được tổ chức 90 người”, ông Tú nói. Điều đó đồng nghĩa với việc, các cơ sở tổ chức tiệc cưới được hoạt động sau 21h hàng ngày, được kinh doanh đồ uống có cồn.

Trước đó, sáng qua (28/10), trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nói về lý do TP chưa mở rộng kinh doanh thức uống có cồn ở nhiều địa bàn có dịch cấp độ 1 khác.

“Có nhiều ý kiến khác nhau về việc bán bia, rượu thời điểm hiện tại. TP muốn có thực tiễn, có thí điểm để tiếp tục. Nếu tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn, vấn đề này sẽ được mở rộng, tuy nhiên, trước mắt, thí điểm cần tiếp tục đến ngày 15/11”, ông Mãi nói.

Về vấn đề quản lý trong việc mở lại hàng quán bán tại chỗ, ông Mãi nhấn mạnh, mỗi cơ sở có công suất tối đa nhất định và chỉ được hoạt động tối đa 50% công suất. Địa phương, chủ cơ sở là người chịu trách nhiệm thi hành và quản lý, đảm bảo các biện pháp phòng, chống COVID-19.

Dựa vào kết quả của quá trình thí điểm trên, ngoài giao Chủ tịch UBND quận 7, Thủ Đức chịu trách nhiệm, Ban Chỉ đạo TP sẽ theo dõi, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm để đưa ra hướng tiếp theo. Ông Mãi khẳng định, nếu tình hình dịch bệnh vẫn ổn, hoạt động này sẽ được mở rộng ở địa bàn an toàn và có nhu cầu.

“Câu chuyện sắp tới là mở dần các dịch vụ, đi liền với sinh kế người dân nhưng cũng phải tính toán đến vấn đề trật tự đô thị. Không phải cho mở bán quán ăn tại chỗ thì được lấy vỉa hè làm quán nhậu, lấy lòng đường làm chỗ để xe”, ông Mãi lưu ý.

Về phía bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, nhận định việc TP mở cửa là tất yếu. Tuy nhiên, trong tiến trình mở cửa, cần nghiên cứu để làm sao việc mở cửa không phủ định tất cả công sức chống dịch trước đây.

Đối với băn khoăn của các hàng quán về tiêu chí chỉ bán đến 21h hay chỉ Thủ Đức và quận 7 được thí điểm bán rượu, bia, thức uống có cồn, bà Lan cho biết điều này nhằm đảm bảo mục tiêu là mở cửa từng bước, tránh trường hợp người dân quá phấn khích sau thời gian dài không được giao lưu. Từ đó, rượu vào dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Theo bà Lan, nếu để dịch vùng phát trở lại do TP mở cửa “quá thoáng” sẽ là điều rất đáng tiếc. Để người dân đảm bảo tuân thủ theo quy định, nhiệm vụ của cơ quan chức năng như Ban Quản lý An toàn thực phẩm, các Sở Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông sẽ có hướng dẫn và tuyên truyền. Mặt khác, lực lượng địa phương cũng có kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, giám sát và xử phạt.

Trong quản lý giám sát, lực lượng chức năng không thể xử phạt tất cả trường hợp vi phạm, tuy nhiên những người vi phạm bị xử lý sẽ đem lại tính răn đe.

Bà Lan cho rằng điều quan trọng nhất không phải xử phạt như thế nào mà là ý thức của người dân.

Theo bà Lan, TP đang đứng ở thế băn khoăn có mở cửa không? Câu trả lời là phải mở để phục hồi kinh tế và đáp ứng nhu cầu người dân. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ một mặt TP muốn mở cửa, mặt khác lại không muốn người tập trung đông. Không thể tìm ra giải pháp tất cả đều hài lòng.

“Để đạt được việc đó, TP cần những giai đoạn chuyển tiếp. Dù hiểu rượu, bia, không khí giao lưu cũng là nhu cầu của nhiều người sau khoảng thời gian dài. Nhưng hiện giờ chúng ta vẫn chưa an toàn”, bà Lan nói.

Bà Lan nhận định môi trường quán ăn thường là môi trường kín và nhiều nguy cơ. Thông điệp 5K chỉ có thể áp dụng ngoài đường, còn khi đã vào quán ăn, người dân sẽ phải mở khẩu trang để ăn. Ngồi ăn cũng không thể không nói chuyện. Do đó, khi vào quán ăn, uống, các biện pháp bảo vệ sẽ bị giảm đi.

“Do đó, TP tìm những hạn chế khác như không uống rượu, bia, giảm số lượng phục vụ 50% công suất. Việc giám sát xử phạt sẽ là của các phường, lực lượng chức năng sở, ngành”, bà Lan cho biết.

Tại cuộc họp báo chiều qua, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cho biết, dự kiến hôm nay (29/10), TP HCM cùng các tỉnh miền Tây tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động từng làm ở TP nhưng đã trở về địa phương. Chương trình sẽ cung cấp thông tin cần thiết, mời người lao động trở lại TP. Sắp tới, TP sẽ tổ chức thêm sàn giao dịch việc làm với nhiều tỉnh, thành khác.

Ông Lâm cho biết Sở phối hợp Thành đoàn và các quận, huyện đang lập danh sách người lao động mất việc làm do dịch để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ họ tìm việc. TP cũng tiếp tục tư vấn cho người lao động tìm việc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm...

Ông Lâm cho biết, hiện có hơn 121.300 doanh nghiệp ở TP hoạt động lại, với tổng cộng khoảng 1,8 triệu lao động. Riêng ở khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao là 1.321 doanh nghiệp với khoảng 201.000 người (giai đoạn trước 1/10 có tổng cộng khoảng 340.000 lao động).

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm