Vĩnh Phúc: Hơn 2.000 học sinh hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh hiện còn khoảng 30 học sinh hộ cận nghèo và hơn 2.099 học sinh thuộc đối tượng khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến.
Học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến (Ảnh minh họa)
Học sinh được hỗ trợ thiết bị học trực tuyến (Ảnh minh họa)

Theo đó, địa phương có số lượng học sinh hộ nghèo và cận nghèo nhiều nhất là huyện Yên Lạc, với hơn 200 em, huyện Vĩnh Tường với 123 em; thấp nhất là thành phố Vĩnh Yên có 75 em.

Thời gian qua, ngành GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ trực tiếp thông qua các đơn vị, nhà trường để giúp học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị, phương tiện, đường truyền học trực tuyến. Từ đó giúp các em không bị gián đoạn việc học tập, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục của tỉnh.

Cụ thể, mới đây Sở GDĐT đã kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp thông qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đồng thời, phân bổ kinh phí và thiết bị cho UBND các huyện, thành phố và đầu mối Văn phòng Sở GDĐT để thực hiện hỗ trợ các em học sinh không có thiết bị học trực tuyến.

Chỉ sau 3 tuần phát động, (từ ngày 23/9-15/10), Ban Quản lý Quỹ ủng hộ chương trình đã thu được gần 3 tỷ đồng cùng các thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến cho học sinh.

Toàn bộ số kinh phí và thiết bị này đã được phân bổ và giao cho UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Sở GDĐT tổ chức mua sắm, cấp thiết bị cho học sinh thuộc đơn vị quản lý đảm bảo đúng yêu cầu, đúng quy định.

Hiện, đã có 1.248 em học sinh trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận thiết bị học trực tuyến kèm gói cước viễn thông. Trong đó, có 100% học sinh thuộc hộ nghèo (545 em) và 95,7% học sinh thuộc hộ cận nghèo (703 em). Kinh phí phân bổ cho các địa phương bao gồm: huyện Yên Lạc là hơn 500 triệu đồng, huyện Vĩnh Tường gần 300 triệu đồng, thành phố Vĩnh Yên là 140 triệu đồng....

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp: Viễn thông Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc, Mobifone Vĩnh Phúc khẩn trương rà soát, đánh giá các khu vực chưa có sóng 4G hoặc sóng chưa bảo đảm, chưa có cáp quang sẵn sàng kết nối Internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch chủ động, phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan phát triển hạ tầng phủ sóng 4G, lắp đặt cáp quang đến 100% các khu dân cư, thôn, xóm, sẵn sàng kết nối Internet, đáp ứng yêu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến; tiếp tục có cơ chế, chính sách ủng hộ nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của chương trình.

Thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình với mục tiêu phấn đấu không còn học sinh, sinh viên nào thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Đọc thêm