Vợ “siêu nhân“

Là đàn bà đừng có làm siêu nhân, cứ ích kỷ một chút, phù phiếm một chút, biết thương mình thật nhiều – thì mới an yên sung sướng.
Ảnh minh họa từ internet.
Mình có một người quen, gia đình chú ai nhìn vào cũng phải ao ước: vợ chồng hạnh phúc, con cái xinh đẹp ngoan ngoãn, chú là đàn ông đàng hoàng tử tế đáng tin, vợ chú mặn mà chu đáo đảm đang.
“Cặp đôi hoàn hảo” ấy gắn bó từ khi khốn khó, chia ngọt sẻ bùi đến lúc giàu có thành đạt. Cứ tưởng cùng nhau yên phận hạnh phúc đợi tuổi già sầm sập đến, ai ngờ một ngày đẹp trời chú tuyên bố muốn Ly Hôn. Để cưới vợ mới!
Cô khóc hết nước mắt vì không bao giờ định liệu trước để chuẩn bị tinh thần đón đợi cú phản bội trời giáng này. Con cái và bạn bè tất nhiên bàng hoàng ngã ngửa. Không ai khuyên được chú – dù có vin đến cả ký ức dấu yêu và thương khó mà cô chú đã cùng trải qua.
Sau 3 tháng ra tòa, chú làm đám cưới. Vợ mới của chú là một cô gái già lỡ thì, có sự nghiệp nhân viên bàn giấy kiêm “pha trà viên” của một cơ quan hành chính. “So với mẹ em không bằng một góc mẻ, giá ông ấy lấy được vợ trẻ nõn hoặc vừa đẹp vừa đại gia cơ, mới đáng công bỏ một người như mẹ em chứ!” – con gái chú bỉ bai trong phẫn nộ xen lẫn hoang mang.
Sau đám cưới 6 tháng, mới có dịp ngồi với chú cả một buổi chiều dãi dề trò chuyện. Hóa ra lý do phụ bạc của chú là: “Tại cô hoàn hảo quá khiến chú thấy mình vô ích. Kể cả không có chú, thì cô vẫn thừa sức duy trì mức sống dư dả của gia đình. Con cái trong nhà ảnh hưởng tinh thần của cô, vì chúng lớn lên do một tay mẹ dạy dỗ. Việc lớn nhỏ trong nhà đều cô quyết, từ đôi tất cái áo của chú và lũ con, cho đến chuyện làm nhà mua đất. 
Cô mới là rường cột ngôi nhà, chú chỉ là thành phần trang trí. Một người phụ nữ như thế sẽ khiến đàn ông luôn thấy mình bị thừa ra, và đó là mặc cảm đầy khổ tâm của kẻ làm chồng…”.
Nói rồi chú hướng về cô vợ mới đang nấu nướng trong bếp, trùm lên phía ấy một ánh nhìn chở che trìu mến: “M. cho chú cảm giác hoàn toàn khác. Cô ấy như dây leo mềm nương vào chú. Chú là tất cả của M., vì lẽ ấy chú phải đành đoạn dứt bỏ gia đình”.
Trong đầu mình như vỡ ra một mảnh gì đó của nhận thức. Ồ, công thức được yêu của đàn bà hóa ra là thế! Làm cho đàn ông thấy họ thật mạnh mẽ và nam tính, thấy họ là trụ cột, thấy họ ở vai chở che và ban tặng.
Mọi nỗ lực chu toàn “giỏi việc nước đảm việc nhà” hình như đem lại buồn khổ cho đàn bà nhiều hơn. Những bạn gái “siêu nhân” của mình cứ đầu tắt mặt tối vừa làm nhà vừa xây tổ ấm, nhưng nhìn đi nhìn lại đâu thấy ai được hạnh phúc? Họ lo nuôi dạy con, gánh vác kinh tế, chu toàn đối nội đối ngoại, vẫn phải tròn vai vợ đảm hiền thục, lại nhẫn nhịn ghìm mình để kiêu hãnh đàn ông của chồng không bị tổn thương.
Lỡ mà bạn đời nhận thức ra là họ hơn anh ta thật, thì những đàn bà “đa chức năng” kia bị nhìn nhận như kiểu “dị nhân” phi giới tính, là nguồn cơn gây mất hạnh phúc gia đình.
“Thấy mình gắng gỏi hy sinh vì chồng con, đầu tiên anh ấy biết ơn. Rồi anh ấy cũng quen và thấy thường. Rồi anh ấy coi điều đó là tất nhiên. Rồi một ngày kia, khi mình mệt mỏi hay kiệt quệ tinh thần, kiểu đối xử của anh ấy như thể ai cho cô quyền được ốm! Mình thấy mình không được thương xót, mình bị bạc bẽo, mình bị lợi dụng…Và khi hết chịu được thì mình tung hê tất, làm mẹ đơn thân cho khỏe…” – bạn gái vừa đổ vỡ hôn nhân chia sẻ như thế.
Ô hay sao các chị không tự thương xót mình trước nhỉ? Dạy con còn phải có cách nữa là dạy bạn đời. Trong hôn nhân nếu chỉ cho đi và tận hiến, có khi lại là cơ hội cho thói đòi hỏi và dựa dẫm của một phía trỗi dậy. Chiều con thường làm hư con. Chiều chồng thì kết quả cũng tương tự vậy thôi.
Bạn gái đổ vỡ kết luận: “Là đàn bà đừng có làm siêu nhân, cứ ích kỷ một chút, phù phiếm một chút, biết thương mình thật nhiều – thì mới an yên sung sướng. Vừa nhàn thân, vừa tạo động lực cố gắng cho bạn đời. Em nhớ nhé, bình đẳng giới về chức phận không bao giờ diễn ra trong gia đình…”.