Vỏ sò làm hải quan, doanh nghiệp... đau đầu

(PLO) - Cùng một chiếc vỏ sò nhưng văn bản này thì cho là phế liệu được phép nhập khẩu, còn văn bản khác lại không khiến doanh nghiệp và hải quan địa phương không biết xử trí ra sao.
Chưa biết vỏ sò có được tiếp tục cho phép nhập khẩu hay không?
Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho hay đang gặp “vướng mắc lớn” về chính sách, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, hiện các doanh nghiệp đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28/01/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), theo đó mặt hàng vỏ sò được coi là phế liệu và được nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất. 
Tuy nhiên, theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 05/02/2015 thì không thấy mặt hàng trên trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Vấn đề là Quyết định 73 cũng không thấy đề cập có thay thế toàn bộ Thông tư số 01 của Bộ TN&MT hay không, và như vậy cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan cũng lúng túng không biết làm thế nào, được tiếp tục nhập khẩu hay buộc phải ngừng?
“Vấn đề vỏ sò” vốn được ông Nông Văn Hiệp - chủ cơ sở sản xuất nút áo xuất khẩu 9999 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đặt ra từ cuối năm ngoái. Theo ông Hiệp thì Thông tư 01/2013/TT-BTNMT đã gây khó cho doanh nghiệp, bởi việc đưa vỏ sò, vỏ ốc vào danh mục phế liệu làm giảm giá trị của sản phẩm khi doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Hiệp cho rằng vỏ sò, vỏ ốc nhập khẩu không phải là phế liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất và tiêu dùng, thu gom rồi xuất sang Việt Nam, mà là sản phẩm của cả một quy trình sản xuất và xử lý của các doanh nghiệp nước ngoài trước khi xuất khẩu. 
“Khi mua nguyên liệu vỏ sò, vỏ ốc thì doanh nghiệp phải mua với giá tính cho sản phẩm, hàng hóa. Còn khi xuất khẩu thành phẩm từ vỏ sò, ốc thì lại bị khách hàng “ép giá” do hàng có nguồn gốc từ phế liệu. Thực tế cho thấy các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới không hề muốn sản phẩm của mình có chi tiết nào làm từ phế liệu” – chủ doanh nghiệp cho biết. 
Không chỉ bị khách hàng ép giá, việc coi vỏ sò, vỏ ốc là phế liệu còn làm phát sinh nhiều thủ tục khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian. Vì thế, để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, ông Hiệp đề nghị cơ quan chức năng không nên xếp vỏ sò chung với các loại phế liệu khác.
Đến ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 73, theo đó mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc (mã HS 05080020) không nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp như ông Hiệp thở phào, tưởng rằng khó khăn đã được tháo gỡ. Thế nhưng từ thời điểm 5/2/2015 (khi Quyết định này có hiệu lực) đến này lại phát sinh những vướng mắc mới như đã nêu trên.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2007, tại Công văn số 1371/BVMT, Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN&MT) từng hướng dẫn: “Nếu vỏ sò, vỏ ốc là sản phẩm của một quy trình công nghệ sản xuất ở nước ngoài, đã chế biến sạch, đảm bảo không còn các tạp chất (đặc biệt là các tạp chất hữu cơ) với mục đích để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất như mỹ nghệ, may mặc… thì được coi là hàng hoá, không phải là phế liệu. Việc nhập khẩu sẽ được tiến hành theo quy định về nhập khẩu nguyên liệu, hàng hoá phục vụ sản xuất”.
Như vậy, trường hợp mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì được coi là sản phẩm hàng hoá, không coi là phế liệu và được phép nhập khẩu như nguyên liệu, hàng hoá phục vụ sản xuất thông thường, đúng như quan điểm của ông Hiệp và các doanh nghiệp nhập khẩu. 
Tuy nhiên, Điều 16 Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định: “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. 
Căn cứ điều luật này thì mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc lại có vẻ như hội đủ các “dấu hiệu cấu thành” phế liệu: là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác. 
Như vậy, mặt hàng này là phế liệu hay nguyên liệu, được nhập khẩu hay không được nhập khẩu, các câu hỏi này vẫn chưa được trả lời. Từ câu chuyện chiếc vỏ sò rất nhỏ lại gợi mở ra vấn đề không hề nhỏ về sự đồng bộ trong xây dựng và ban hành pháp luật.

Đọc thêm