Vụ tranh chấp hợp đồng thuê căn tin: Đổ lỗi cho người tiền nhiệm

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Ngày 7/1, TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng dân sự” giữa trường THPT Đoàn Kết và bà Dương Thị Thanh Thuý (ngụ tổ 11, khu 7, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú).

Trường THPT Đoàn Kết
Trường THPT Đoàn Kết

Đây là vụ tranh chấp hợp đồng thầu bán căn tin mà Hiệu trưởng Trần Anh Quân một mực cho rằng người tiền nhiệm của ông đã vi phạm pháp luật khi cho công đoàn nhà trường ký hợp đồng này.

Liên tục đổ lỗi cho người tiền nhiệm

Theo nội dung hợp đồng, bà Thuý đấu thầu và thuê bán căn tin trong khuôn viên trường THPT Đoàn Kết với giá là 43 triệu đồng cho 10 tháng (trong 1 năm học). Thời hạn thuê được xác định là 7 năm kể từ ngày 1/8/2013. Trong hợp đồng còn có điều khoản ghi rõ, hết thời hạn hợp đồng 7 năm, bà Thúy được quyền ký tiếp hợp đồng với nhà trường thêm 5 năm. Như vậy, theo hợp đồng, ngày 1/8/2020, bà Thúy sẽ tiếp tục ký tiếp đợt hai với thời hạn 5 năm nữa.

Sau khi trúng thầu, bà Thúy đã vay ngân hàng để đầu tư xây dựng căn tin và các trang thiết bị phục vụ buôn bán tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 7 năm, bà Thuý đề nghị ký tiếp hợp đồng 5 năm thì ông Quân không đồng ý và đòi tăng số tiền thuê hàng năm. Trước đề nghị của ông Quân, bà Thuý không đồng ý vì giá thuê cao, kinh doanh không có lợi nhuận, phải gián đoạn việc kinh doanh do dịch COVID – 19. Quan trọng nhất, khi chấm dứt hợp đồng mọi tài sản mà bà xây dựng phải giao không lại cho nhà trường.

Nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu bà Thuý di chuyển tài sản ra khỏi nhà trường

Nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu bà Thuý di chuyển tài sản ra khỏi nhà trường

Thoả thuận không thành, ông Trần Anh Quân lập tức gửi đơn tới Toà án nhân dân huyện Tân Phú khởi kiện đề nghị tuyên huỷ hợp đồng nói trên.

Tại phiên toà, người đại diện của ông Quân cho rằng, sở dĩ trường THPT Đoàn Kết khởi kiện để yêu cầu huỷ hợp đồng bán căn tin giữa nhà trường và bà Dương Thị Thanh Thuý là vì Công đoàn và Hiệu trưởng thời điểm đó là thầy Nguyễn Văn Hiển ký hợp đồng không đúng pháp luật. Chưa hết, đại diện của ông Quân còn cho rằng, việc xây dựng căn tin còn vi phạm xây dựng, đầu tư quản lý tài sản công. Vì vậy mà ông nhất quyết khởi kiện để huỷ hợp đồng này

Điều đáng chú ý, chính ông Trần Anh Quân, lúc này là Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết lại đàm phán và đưa ra giá thuê mới là 52 triệu/10 tháng. Đồng thời ông đề nghị cho thuê thêm 3 năm (tổng là 8 năm) nhưng đổi lại, sau khi hết thời hạn thuê thì chấm dứt hợp đồng và toàn bộ cơ sở vật chất của căn tin mà bà Thúy đã xây dựng phải để lại toàn bộ cho nhà trường. Không tổ chức đấu thầu mới để người trúng thầu trả lại cho bà Thúy cơ sở vật chất đã xây dựng.

Dư luận lúc này đều thấy, việc làm của ông Quân là “tiền hậu bất nhất”. Đồng thời đặt câu hỏi, nếu đàm phán thành công theo ý mà ông Quân đưa ra, liệu ông có một mực khẳng định rằng hợp đồng này vi phạm pháp luật, vi phạm quản lý tài sản công hoặc việc xây căn tin trong trường học là vi phạm pháp luật hay không?!

Ông Trần Anh Quân không biết sự tồn tại của bản hợp đồng thầu bán căn tin?

Để khẳng định Hợp đồng số 15/HĐ - CĐT ngày 01 tháng 08 năm 2013 là vô hiệu, ông Trần Anh Quân cho rằng, bản thân ông không hề biết sự tồn tại của bản hợp đồng nói trên. Trong khi, ông lên làm hiệu trưởng thì bản hợp đồng vẫn còn hiệu lực 5 tháng và chính ông là một trong những người được thụ hưởng từ khoản tiền mà công đoàn thu của căn tin nhiều năm. Đáng nói hơn, phía nguyên đơn còn cho rằng người tiền nhiệm và công đoàn thời điểm đó không có quy chế làm việc.

Về việc này, nội dung trong đơn gửi TAND huyện Tân Phú, thầy Nguyễn Văn Hiển – nguyên hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết khẳng định: “Ban chấp hành công đoàn đã tổ chức đấu thầu theo đúng qui trình có thông báo mời thầu, tổ chức đấu thầu công khai. Thành phần tổ đấu thầu gồm đại diện lãnh đạo trường, bí thư đoàn thanh niên, ban thanh tra nhân dân và BCH công đoàn. Về phía lãnh đạo trường, chínhông Trần Anh Quân lúc đó là phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất đại diện Ban Giám hiệu tham gia tổ đấu thầu

Bản hợp đồng mà ông Trần Anh Quân một mực khẳng định là không đúng pháp luật

Bản hợp đồng mà ông Trần Anh Quân một mực khẳng định là không đúng pháp luật

Cũng theo thầy Hiển, về chủ trương đấu thầu và xây dựng căn tin đã có sự thống nhất trong lãnh đạo nhà trường và BCH công đoàn. Mục đích là mong muốn các em học sinh có chỗ để ăn uống rộng rãi thoáng mát hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, công đoàn trường có thêm nguồn quỹ phúc lợi để hỗ trợ về đời sống công đoàn viên và tham quan du lịch sau khi đã nộp 40% về Sở Tài chính.

Sau khi thống nhất chủ trương, lãnh đạo trường đã ủy quyền cho công đoàn nhà trường thực hiện chủ trương này theo hình thức đấu thầu nhằm huy động vốn xã hội hóa để thực hiện trong điều kiện kinh phí của nhà trường không cho phép. “Bản hợp đồng tồn tại 7 năm, được cán bộ, giáo viên và học sinh tán thành, không có ý kiến gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ” thầy Hiển khẳng định thêm.

Sau phần tranh luận, toà tạm hoãn để làm rõ yêu cầu của VKS về việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai có được thông báo việc đấu thầu và xây dựng căn tin trong trường học hay không và nhà trường có nộp số tiền thuê có nộp về cấp trên hay không?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm