Vướng mắc giải quyết hậu quả hôn nhân thực tế

(PLO) - Những quy định hiện hành của Luật Hôn nhân gia đình đang khiến cho những hệ lụy từ mối quan hệ của những người "ngoài vợ ngoài chồng" trở nên rắc rối khi mâu thuẫn phát sinh. 
Ảnh minh họa
Chỉ áp dụng với nam, nữ độc thân
Luật HNGĐ hiện hành quy định: “Nam, nữ không ĐKKH mà chung sống như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”, trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 về thi hành Luật HNGĐ năm 2000, trong đó quy định việc ĐKKH đối với các trường hợp hôn nhân không đăng ký trước khi Luật HNGĐ năm 2000 có hiệu lực. 
Tuy nhiên, theo báo cáo của 56/61 tỉnh (năm 2002), kết quả chỉ đạt được 68% ĐKKH theo Nghị quyết này, vẫn còn 302.264 trường hợp chung sống như vợ chồng chưa ĐKKH. 
Gần 13 năm sau khi Luật có hiệu lực, ở nhiều địa phương, tình trạng chung sống như vợ chồng không ĐKKH vẫn tồn tại, nhất ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Điều này làm phát sinh nhiều hệ lụy phải giải quyết như phân chia về tài sản, con cái…trong khi Luật HNGĐ hiện hành lại thiếu những quy định điều chỉnh.
Để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, nhất là phụ nữ và trẻ em, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không ĐKKH, giải quyết quan hệ tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa các bên và con.
Theo đó, một mặt, Dự thảo Luật khẳng định rõ:  “Nam, nữ không ĐKKH mà chung sống như vợ chồng thì không làm phát sinh quan hệ hôn nhân”, nhưng nếu sau đó họ đi ĐKKH thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm ĐKKH. 
Mặt khác, quyền và nghĩa vụ giữa các bên được pháp luật quy định tương tự quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con; việc giải quyết quan hệ tài sản giữa các bên thực hiện theo pháp luật dân sự và nhấn mạnh “phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con…”.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhận xét: “Nếu quy định như Dự thảo Luật thì sẽ gia tăng tỷ lệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không ĐKKH, vì không có thiệt thòi gì về tài sản cũng như con cái”. 
Theo ông Hoàng, Luật HNGĐ không cần quy định cụ thể về quyền nhân thân, về tài sản phát sinh giữa các bên quan hệ chung sống như vợ chồng, trong trường hợp cần phải giữ các vấn đề về con cái và tài sản thì có thể vận dụng các quy định về việc hủy kết hôn trái pháp luật để xử lý. Có như vậy thì quy định về ĐKKH mới thực sự cần thiết, mới có ý nghĩa. 
Phải bảo vệ quyền lợi của trẻ em
Nhất trí việc bổ sung quy định điều chỉnh hệ quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không ĐKKH, song ĐBQH Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) lại cho rằng quy định như Dự luật chưa chặt chẽ. Vì trong thực tế nhiều trường hợp nam, nữ chung sống  như vợ chồng nhưng một bên hoặc cả hai bên đã kết hôn với người khác và quan hệ hôn nhân này hợp pháp thì việc giải quyết hệ quả của các cặp đôi này theo các quy định của Dự án Luật chưa hợp lý, nhất là đối với quy định suy đoán con chung của vợ chồng. 
Từ lập luận này, ĐB Trang đề nghị bổ sung quy định việc giải quyết hệ quả của nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không ĐKKH chỉ áp dụng đối với nam, nữ còn độc thân không tồn tại quan hệ hôn nhân đang có giá trị pháp lý với người thứ ba.
Đánh giá cao quy định của Dự thảo Luật vì “đã bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ sinh ra từ các cặp nam nữ sống chung như vợ chồng”, tuy nhiên, Th.S Bùi Thị Mừng (ĐH Luật) lại cho rằng, Dự thảo Luật vẫn chưa rõ ràng. 
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định “quyền, nghĩa vụ giữa các bên nam, nữ chung sống như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con, trừ trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”. 
Quy định này theo phân tích của bà Mừng, có thể hiểu việc mang thai hộ có thể thực hiện bằng hình thức chung sống  như vợ chồng mà không ĐKKH. Như vậy là không phù hợp với các quy định về mang thai hộ trong cùng Dự luật, bởi việc mang thai hộ chỉ có thể thực hiện bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên trước thực trạng chung sống như vợ chồng nhưng không ĐKKH vẫn đang tồn tại một cách khá phổ biến, người dân mong đợi Dự luật sẽ có những quy định vừa khuyến khích người dân ĐKKH, đồng thời cũng có cơ chế giải quyết hệ quả của việc sống chung đối với những trường hợp vì lý do nào đó mà chưa đăng ký.

Đọc thêm