Trục sản phẩm chiến lược
Sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường nông sản thế giới, diễn biến ngày càng bất thường của biến đổi khí hậu, cùng với đó là những nút thắt nội tại của ngành Nông nghiệp như cơ chế, đất đai chưa được tháo gỡ - được nhận định là những thách thức vô cùng lớn của ngành Nông nghiệp trong năm 2017.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017, Bộ NN&PTNT chẳng còn cách nào khác là phải tập trung tái cơ cấu ngành, rà soát từ Trung ương đến địa phương để làm sao có một sự đổi mới theo hướng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân thuận lợi, thông thoáng hơn.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, năm nay, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm. Cụ thể, nhóm thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Ở nhóm sản phẩm này, người đứng đầu ngành NN&PTNT khẳng định phải rà soát lại từ việc quy hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách cho đến xác định những doanh nghiệp hạt nhân để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy nhanh hơn ứng dụng khoa học công nghệ, làm sao để tập trung phát triển 10 mặt hàng có giá trị quốc gia lớn với mục tiêu không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn tạo ra điều kiện bền vững.
Ở nhóm sản phẩm cấp tỉnh, Bộ sẽ cùng với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh, từ đó tập trung nhóm giải pháp tổng thể vào để đưa những mặt hàng này thành những mặt hàng chủ lực của địa phương, làm sao tham góp vào chuỗi sản xuất sâu và cùng với những mặt hàng quốc gia để tăng thêm khối lượng xuất khẩu. Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)…tới đây sẽ được xây dựng theo hướng mỗi địa phương có 1 - 2 sản phẩm
Cuối cùng, ở nhóm sản phẩm vùng/miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.
“Việc này cần rất nhiều tiền...”
Theo Bộ trưởng Cường, tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong nhất thiết phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết.
Ông Cường nói thêm, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. Theo đó, lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ làm, các Thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. “Việc này cần rất nhiều tiền, nhưng ít tiền vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều, nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”- ông Cường nói.
Về đẩy mạnh trục sản phẩm của địa phương, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho hay sẽ bàn sớm với một số tỉnh để tập trung “thổi” thật mạnh sản phẩm theo tinh thần có doanh nghiệp nòng cốt, có chính sách vào, có liên kết vào, có tổ chức vào phối hợp với địa phương, với doanh nghiệp. Đối với sản phẩm cấp địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp gắn giữa củng cố Hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm có tính chất địa phương.
Được biết, năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp 5 năm 2016 – 2020. Trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo chưa giảm so với năm 2016, toàn ngành Nông nghiệp vẫn quyết tâm nâng một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt từ 2,5 đến 2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3% đến 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 32 tỷ đến - 32,5 tỷ đô la; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%; Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28 đến 30%.
Họp về tiến độ 3 tháng 1 lần
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói, đối với từng sản phẩm quốc gia, sau này sẽ phân theo 3 cấp độ, Bộ trưởng chỉ đạo chung, từng đồng chí Thứ trưởng sẽ chỉ đạo các nhóm sản phẩm cụ thể. Theo đó, lãnh đạo Bộ, cứ 3 tháng một lần ngồi nghe tiến độ làm, các Thứ trưởng chỉ đạo doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào. “Việc này cần rất nhiều tiền, nhưng ít tiền vẫn làm được việc mới giỏi. Tiền nhiều, nhưng không có phương pháp đúng chưa hẳn ra được việc”- ông Cường nói.