Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là lĩnh vực được quan tâm ưu tiên đầu tư và là 01 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện cho công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có bước phát triển mạnh, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh Bạc Liêu.

Giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo

Bạc Liêu có bờ biển dài, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng, vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s) càng ra xa bờ tốc độ gió càng cao, là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió tốt nhất trong cả nước, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đây là những điều kiện thuận lợi cho khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là 01 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là 01 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.

Để tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, năm 2016 tỉnh đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận rút Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch điện lực Quốc gia (Tổng sơ đồ VII); đồng thời năm 2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 07/5/2020 về phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia.

Bạc Liêu hiện là điểm sáng trong thu hút và mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tính đến ngày 01/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã có 08 Nhà máy điện gió hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất là 469,2 MW (lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ ba trong cả nước, trong đó có 06 dự án điện gió trên biển (công suất 349,2 MW), 02 dự án điện gió trong đất liền (công suất 120MW)), sản lượng điện gió hàng năm khoảng 1,4 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 806.960 tấn CO2/năm, tăng thu ngân sách tỉnh hàng năm gần 300 tỷ đồng; tiêu biểu nhất là Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD (tương 93.600 tỷ đồng), sản lượng điện khí hàng năm khoảng 19 tỷ kWh, phấn đấu khởi công Dự án vào năm 2022, vận hành tổ máy đầu tiên công suất 800 MW vào năm 2024 và hoàn thành toàn bộ Dự án với công suất 3.200MW vào năm 2027.

Điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng

Khi các dự án trên hoàn thành đi vào hoạt động, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh là rất lớn, nhất là góp phần đảm bảo thực hiện Chiến lược biển Việt Nam cho khu vực biển Bạc Liêu và vùng lân cận, vị trí kho cảng LNG trên biển phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Trong mấy năm gần đây, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, cộng với các yếu tố thiên tai, thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu và nhất là dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Bạc Liêu tiếp tục tập trung thi đua thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình mới, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cùng các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo hiệu quả, an toàn, linh hoạt, phấn đấu từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đây chính là tiền đề quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

“Với điều kiện tự nhiên là bờ biển dài và giàu tiềm năng, cộng với việc mời gọi đầu tư của tỉnh gắn với những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực điện gió, điện mặt trời…, Bạc Liêu đã và đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng” - Ông Phạm Văn Thiều khẳng định.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự phối hợp giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bạc Liêu đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều khó khăn thử thách và đã đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi to lớn trên hầu hết các mặt trận kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rỏ nét. Đặc biệt, Bạc Liêu đã hình thành được những định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững trong tương lai của mình, phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.

Đọc thêm