Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của Khu vực đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 18/3, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành ĐBSCL và Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tái khởi động ngành du lịch

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị các địa phương đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng, các địa phương phải đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hoá miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Lãnh đạo các địa phương tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Lãnh đạo các địa phương tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã đưa 152.000 khách du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quý IV năm 2021, TP đã xây dựng hơn 20 chương trình du lịch liên kết với Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và các tỉnh thành trong khu vực đông bằng Sông Cửu Long để phục vụ khách du lịch theo chương trình thích ứng an toàn với COVID-19.

“Thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục liên kết hợp tác trao đổi thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch” - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định.

Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của các địa phương trao đổi tại không gian giao thương Chương trình ký kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của các địa phương trao đổi tại không gian giao thương Chương trình ký kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Tập trung nguồn lực phát triển du lịch

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh 2 lần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch và dịch vụ của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác.

Đồng thời, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 ngàn tỷ đồng; chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh. Để làm được điều này, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Tập trung nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái; đẩy mạnh truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch... Trong đó, hợp tác với các địa phương, nhất là với TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long luôn được chú trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch... Đề xuất lãnh đạo Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng.

Tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch, vì thực tế nhiều địa phương trong khu vực hạ tầng dịch vụ còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch. Đồng thời, trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL bắt tay hợp tác phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL bắt tay hợp tác phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Nhân dịp này, TP. Hồ Chí Minh – 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết hợp tác phát triển du lịch và phát động “mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM – 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và phát động “mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Theo đó, có khoảng 50 đơn vị doanh nghiệp lữ hành tham gia không gian giao thương kết nối.

Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch được tổ chức nhằm kết nối, chia sẻ giữa các doanh nghiệp dịch du lịch, như: Lữ hành, ăn uống, khách sạn, điểm đến, vận chuyển… Đây là sàn giao dịch kết nối trực tiếp giữa bên bán và bên mua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ký kết hợp tác với giá tốt nhất.

Bên cạnh đó, không gian còn tạo môi trường giao lưu, gặp gõ trực tiếp giúp các đơn vị giới thiệu sản phẩm. Đồng thời cũng là cơ hội để các đối tác truyền thống cập nhật thông tin của nhau, tìm kiếm những cơ hội phát triển du lịch.

Đọc thêm