Xây dựng nông thôn mới: Cả nước có 99% trẻ 6 tuổi vào lớp Một

(PLVN) - Mới đây, tại TP Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2010-2020.
Học sinh tại một trường tiểu học tại Đắk Nông.

Tính đến tháng 6/2019, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện chương trình NTM trong giai đoạn 2011-2019 khoảng 462.791,1 tỷ đồng. 

Tỷ lệ các xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 (cơ sở giáo dục có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia) là 52,44% (tăng 23,7% so với năm 2015). 

Phổ cập giáo dục, mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100% tỉnh, thành phố; 99% trẻ 6 tuổi vào lớp Một. Các cơ sở giáo dục huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học. Tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên cả nước tăng xấp xỉ 30%.

Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa được chính quyền và người dân địa phương nhận thức đầy đủ. Việc rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp học chưa phù hợp, chậm thực hiện dẫn đến tình trạng thiếu trường mầm non ở khu đông dân cư. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi mẫu giáo, mầm non có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tiếp diễn. 

Sau năm 2020, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tăng cường đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng bền vững trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trong đó, phấn đấu đạt 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đến năm 2025 có  ít nhất 30/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 80% tỉnh, thành phố  đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; phấn đấu có  ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Các địa phương phải chuẩn bị và ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đặc biệt chú trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đánh giá, khắc phục tình trạng thẩm định, tránh bệnh thành tích và tình trạng nợ chuẩn khi xem xét đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương.

Liên quan lĩnh vực nông thôn mới, ngày 11/10, tại tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐTƯPCTT) phối hợp Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới cho 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng BCĐTƯPCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề xuất quy định việc đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ là một tiêu chí chính thức trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bởi ngay trong Luật Phòng chống thiên tai thì các điều khoản đã quy định rất rõ việc phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, của các địa phương phải gắn với đảm bảo an toàn bền vững trước thiên tai. Và ngay trong Nghị quyết 76 của Chính phủ cũng nêu rất rõ đến năm 2020 tất cả các địa phương phải xây dựng được lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở tất cả các làng xã. BCĐTƯPCTT cũng đang đề nghị với Chính phủ bổ sung thành tiêu chí chính thức.

Trong nhiều năm nay, Tây Nguyên xuất hiện 11 loại hình thiên tai với tần xuất ngày càng dày, chủ yếu là hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất. Đặc biệt, năm 2015 lũ quét gây thiệt hại tại khu vực Tây Nguyên khoảng 3.400 tỷ, năm 2016 hạn hán gây thiệt hại khoảng 7.500 tỷ. Riêng năm 2019, lũ tháng 8 đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ, 16 người chết và bị thương, 5.300 ngôi nhà bị ngập lụt, 26.700 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Để hạn chế tác động của thiên tai đến xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai bền vững; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, cần rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để có cơ sở trong thực hiện phòng chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đọc thêm