Quy hoạch khoa học, phù hợp với hoạt động bộ đội
Những năm qua, do sự tác động của khí hậu, thời tiết, môi trường khiến các công trình, cơ sở vật chất ngành doanh trại quân đội bị ảnh hưởng, xuống cấp, hư hỏng, nhất là hệ thống doanh trại cũ, đã hết niên hạn sử dụng. Trong khi đó, nguồn kinh phí xây dựng, tu bổ, bảo quản, sửa chữa hàng năm còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác doanh trại, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp mang tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa phù hợp với đặc điểm từng đơn vị. Đặc biệt, PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” đã tạo động lực quan trọng, đưa công tác doanh trại toàn quân lên một tầm cao mới.
Để làm cơ sở triển khai các nội dung trong công tác doanh trại, các cơ quan, đơn vị luôn đề cao công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng theo đúng pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng với nhiều biện pháp như xây tường bao, cắm mốc giới, tổ chức tuần tra canh gác; chủ động phối hợp với địa phương xác định ranh giới, diện tích; thực hiện giao, nhận đúng trình tự, thủ tục; làm tốt công tác lưu trữ hồ sơ pháp lý về đất đai, kiểm kê theo định kỳ cũng như đột xuất.
Cùng với công tác quản lý đất đai, một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính quy, thiết thực, phát huy công năng của các công trình doanh trại chính là khâu quy hoạch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, TCHC và ngành doanh trại quân đội đã tham mưu với cấp trên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quy hoạch xây dựng doanh trại, làm cơ sở để các đơn vị toàn quân triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn, từng loại hình đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn các phương án tối ưu cả về kinh phí, thời gian, tính tổng thể, vừa bảo đảm sự phát triển, tính hiện đại, tính kế thừa và ổn định lâu dài.
Từ chủ trương trên, những năm qua, doanh trại các đơn vị trong toàn quân được quy hoạch, xây dựng đều có đủ các phân khu chức năng, bảo đảm đồng bộ từ nhà ở, nhà làm việc, thao trường, bãi tập, khu thể thao, rèn luyện thể lực, đến sân vườn, khuôn viên, cây xanh, khu tăng gia sản xuất… giữ vững được cảnh quan môi trường tự nhiên, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm; phù hợp với địa hình, quy hoạch của địa phương nơi đóng quân.
Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực
Trong điều kiện kinh phí bảo đảm cho ngành hậu cần nói chung, công tác doanh trại nói riêng còn hạn chế, để tạo bước đột phá, ngành doanh trại các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề cả vật chất và tinh thần trong xây dựng củng cố doanh trại. Bên cạnh việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả nguồn ngân sách quốc phòng, các đơn vị chủ lực đã sử dụng hiệu quả nguồn thu được từ tăng gia sản xuất và huy động công sức bộ đội; khối cơ quan, đơn vị địa phương tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương cùng sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng, củng cố doanh trại. Với cách làm trên, toàn quân đã huy động hàng chục triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng vào việc xây dựng, củng cố doanh trại, mua sắm trang bị, doanh cụ. Các nguồn kinh phí đều được quản lý chặt chẽ, sử dụng công khai, minh bạch, tuân thủ các nguyên tắc, quy định về công tác tài chính trong quân đội.
Để nâng cao hiệu quả các mặt xây dựng, củng cố doanh trại, doanh cụ, TCHC đã chỉ đạo tổ chức sản xuất doanh cụ theo mẫu thống nhất của ngành hậu cần. Trong cấp phát, tập trung ưu tiên cho các đơn vị đủ quân, đơn vị vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, các đơn vị khu vực trọng điểm, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Theo chủ trương của Bộ Quốc phòng, ngành hậu cần đã tăng cường phân cấp kinh phí cho các đơn vị tự mua sắm, sản xuất doanh cụ để phát huy nội lực, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Với cách làm này, nhiều đơn vị đã tận dụng nguồn vật liệu tự nhiên, huy động nguồn nhân công xây dựng công trình, tạo ra nhiều sản phẩm bảo đảm thống nhất, chính quy, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, một trong những “cú hích” tạo nguồn lực tổng hợp chính là thông qua các hội thi doanh trại từ cấp cơ sở đến toàn quân, ở tất cả các loại hình đơn vị. Các cơ quan, đơn vị tham gia hội thi sẽ được các cấp, các ngành ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt, tạo cơ hội bứt phá thay đổi căn bản các công trình doanh trại, doanh cụ, đồ dùng của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, các hội thi còn là cơ hội để các đơn vị giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quý, cách làm hay, từ đó nhân lên nhiều doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp trong toàn quân.
Quản lý chặt chất lượng, nhân rộng mô hình tốt
Dưới tác động của những yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu, môi trường, các công trình, vật dụng đều xuống cấp theo thời gian. Để hạn chế thấp nhất sự xuống cấp đòi hỏi công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa doanh trại, doanh cụ kịp thời, hiệu quả. Do đó, mọi dấu hiệu xuống cấp, hỏng hóc của các loại công trình, vật dụng phải được phát hiện và khắc phục kịp thời. Công tác này đòi hỏi trách nhiệm, ý thức tự giác của bộ đội. Vì thế việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện PTTĐ ngành doanh trại phải đa dạng, thiết thực “thấm sâu” đến từng cán bộ, chiến sĩ.
Khi nguồn kinh phí còn khó khăn, các đơn vị đã chủ động thành lập các tổ, nhóm gồm những cán bộ, chiến sĩ có tay nghề về xây dựng nói chung, điện, nước, nề, mộc… nói riêng để tổ chức tu sửa, bảo quản doanh trại, doanh cụ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh khá hiệu quả như các đơn vị thuộc Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 395 (Quân khu 3), Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4)… Đó chính là các mô hình rất cần được tham khảo, nhân rộng. Việc triển khai các giải pháp tiết kiệm kinh phí, cơ sở vật chất như ban hành quy chế sử dụng điện, nước, phân pha, mắc công tơ, khoán kinh phí sử dụng điện hay sáng tạo trong thiết kế sử dụng khí bioga chạy máy phát điện, chế tạo máy bơm nước bằng tay đa năng; tận dụng nguồn nước mưa hay thu nguồn nước thải sinh hoạt qua xử lý để tưới cây, tăng gia sản xuất… cũng là những nội dung cần nghiên cứu, đúc kết để vận dụng phù hợp ở các loại hình đơn vị.
Trước yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong giai đoạn mới, việc xây dựng, củng cố doanh trại, bảo đảm doanh cụ, đồ dùng cho bộ đội sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn rất nhiều việc phải làm. Việc đánh giá kỹ những ưu điểm, khuyết điểm trong PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” giai đoạn 2012-2017 để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phong trào phát triển cả bề rộng và chiều sâu cần được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể. Ngành hậu cần quân đội nói chung, ngành doanh trại nói riêng phải tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia.