Xem xét nhiều vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18

(PLVN) - Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Qua đó, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ phù hợp với bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu khai mạc Kỳ họp

Ngày 7/12, tại TP. Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng; trong đó thảo luận, xem xét 30 báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và một số ngành về kết quả công tác năm 2021; nhiệm vụ năm 2022; đồng thời xem xét, thông qua 37 nghị quyết thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đặc biệt là Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Qua đó, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ phù hợp với bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

HĐND tỉnh Nghệ An cũng sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản và công tác hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tại kỳ họp, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Năm 2021 là năm đầu Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025) trong bối cảnh có nhiều thách thức, đặc biệt là dịch COVIDd-19 diễn biến phức tạp. Trước thực tế đó, với quyết tâm, nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 Nghệ An đạt được một số kết quả khá tích cực.

Quang cảnh kỳ họp

Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Tích cực, chủ động tham mưu với các cơ quan Trung ương và Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Trong năm, cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi thế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát và thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,2%....Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước thực hiện hơn 17.678 tỷ đồng, vượt 26% so với dự toán điều chỉnh.

Công tác thu hút đầu tư, tính đến ngày 30/11/2021, tỉnh đã cấp mới 106 dự án; điều chỉnh 118 lượt dự án; tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 28.072 tỷ đồng, tăng 41,3% về số lượng dự án và gấp 2,9 lần số vốn đầu tư đăng ký so cùng kỳ năm 2020. Thành lập mới 2.323 doanh nghiệp, tăng 6,7% cùng kỳ...

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là tập trung triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Công tác tổ chức đón công dân Nghệ An từ vùng dịch trở về đảm bảo an toàn, chu đáo.

Công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và thực hiện phương châm “nhanh - đúng - hiệu quả” trong tham mưu, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân tiếp tục được quan tâm và tạo chuyển biến tích cực...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra những khó khăn chính trong năm qua như: Tiến độ thực hiện của một số dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu; Việc làm, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn; Số lượng công dân trở về địa phương lớn, tạo áp lực trong kiểm soát cách ly, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Đọc thêm